Gánh nặng của “Siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước

Một câu hỏi đặt ra là “siêu uỷ ban” mà Chính phủ lập ra có thể “đào sâu”, xử lý tận gốc những yếu kém đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước, mà khó nhất có lẽ là động chạm vào nh
Gánh nặng của “Siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước

Một câu hỏi đặt ra là “siêu uỷ ban” mà Chính phủ lập ra có thể “đào sâu”, xử lý tận gốc những yếu kém đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước, mà khó nhất có lẽ là động chạm vào những nhóm lợi ích.…

Chính phủ đang xúc tiến kế hoạch lập ra Uỷ ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đến cuối năm 2015, tổng vốn nhà nước ở trong 800 doanh nghiệp có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản khoảng 130 tỷ USD. “Siêu uỷ ban” này sẽ vận hành, quản lý, sử dụng khối tài sản khổng lồ ra sao để gia tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước, hạn chế thất thoát, hạn chế lạm quyền…? “Siêu uỷ ban” giám sát SCIC Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Theo dự thảo, “siêu ủy ban” sẽ trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn và tài sản của 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp… Đơn cử: PVN, Vinacomin, VNPT, Tập đoàn Cao su, Petrolimex, Bảo Việt, Vinalines, Vietnam Airlines, Sông Đà, Sabeco, Habeco… Chỉ trừ các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn do các bộ này quản lý. Thậm chí, “siêu” tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng thuộc danh mục chịu sự quản lý, giám sát của “siêu uỷ ban” sắp ra đời. Trước đây, SCIC ra đời với sứ mệnh quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chưa cổ phần hoá, chuyển giao vốn nhà nước… Thời gian qua, SCIC đã làm tốt nhiệm vụ này. Đến cuối năm 2015, danh mục quản lý của SCIC còn 197 doanh nghiệp với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, nhưng giá thị trường lên tới 95.697 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 8.414 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 25,6%. Tuy vậy, SCIC hiện cũng không thể “kham” hết việc và chưa đủ hành lang pháp lý để tham gia quản lý vốn tại những tập đoàn, tổng công ty chưa được cổ phần hoá, hoặc trong diện Nhà nước cần nắm quyền kiểm soát. Từ thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát vốn nhà nước, càng cần thiết phải có một tổ chức có đủ quyền năng, cơ sở pháp lý cùng chế tài mạnh để “quản” những “ông lớn” DNNN. Vai trò của “siêu uỷ ban” cần được thể hiện ở việc phát hiện, kiểm tra, đánh giá “sức khoẻ” của doanh nghiệp, trực tiếp điều hành hoạt động để nâng cao hiệu quả vốn nhà nước. Đồng thời, “Siêu uỷ ban” cần đưa ra những cảnh báo rủi ro sớm và chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý sai phạm và báo cáo lên Thủ tướng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật. CIEM - đơn vị xây dựng đề án thành lập “siêu uỷ ban” quản lý vốn và tài sản nhà nước – chỉ ra điểm hạn chế của SCIC là vị thế “thấp” nên khó có thể “điều khiển” các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn. Mặc dù SCIC đã và đang vận hành theo mô hình tiên tiến, chuyên nghiệp chuẩn thế giới, phát huy hiệu quả khả quan. Quyền lực dễ sinh lạm quyền Nếu “siêu uỷ ban” này ra đời, ngay cả SCIC cũng được chuyển giao về đây để quản lý. Tính đến cuối năm 2015, hiện có 781 DNNN với tổng giá trị tài sản là 3,1 triệu tỷ đồng (139 tỷ USD), vốn chủ sở hữu 1,23 triệu tỷ đồng. Theo CIEM, “siêu uỷ ban” này sẽ là một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, chứ không nằm trong một bộ nào. Nói cách khác, đây sẽ là “siêu uỷ ban” có quyền lực độc lập và chỉ chuyên chức năng đầu tư, phân bổ vốn, giám sát vốn nhà nước theo mục tiêu do Chính phủ quyết định… Tuy nhiên, khi quyền điều hành được tập trung vào một tổ chức sẽ khó tránh nguy cơ lạm quyền, hình thành những lợi ích nhóm, xung đột gay gắt… Ts. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM – cho rằng CIEM lập dự thảo Nghị định thành lập Uỷ ban không có một lợi ích nhóm nào đằng sau, không bảo vệ lợi ích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà thực chất bộ chủ quản cũng mất nhiều thứ. “Việc thành lập còn nhiều thứ phải bàn tiếp nhưng quản lý như hiện tại thì chắc chắn thất bại”- ông Cung nói. Theo các chuyên gia, với trọng trách nặng nề và quy mô vốn nhà nước rất lớn, “siêu uỷ ban” sẽ cần một bộ máy lớn để hoạt động, cơ chế điều hành riêng cùng nguồn kinh phí hoạt động, cơ chế phân bổ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vốn, sử dụng khối tài sản “khủng”… Hơn nữa, hoạt động quản lý của bộ máy này cần được tính toán kỹ, đặt ra những tiêu chuẩn đánh giá, cơ chế phân quyền để tránh thâu tóm quyền lực, cơ chế giám sát, thanh kiểm tra và quy trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm, kém hiệu quả. Từ trường hợp của SCIC, một thách thức đặt ra là “siêu uỷ ban” còn phải đối diện với phản ứng, không đồng thuận tại các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, nội bộ lục đục, phân chia quyền lực sâu sắc và nhất là động chạm tới những nhóm lợi ích. Đây là những vấn đề nan giản mà những người đang “thai nghén” ra đời “siêu uỷ ban” cũng lường trước được, còn thực tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn.

Theo Thu Hằng/Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm