Gelex đang hiện thực hóa mục tiêu “nắm gọn” Viglacera

Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) vừa công bố thông tin điều chỉnh giá chào mua công khai cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - CTCP lên 23.500 đồng/cổ phiếu. Đây là lần điều chỉnh giá thứ 2 của Gelex.
Gelex đang hiện thực hóa mục tiêu “nắm gọn” Viglacera

Tại lần chào mua này, tổng khối lượng cổ phần VGC mà Gelex đăng ký chào mua là 95 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 21,19% vốn điều lệ của Viglacera. Việc tăng giá chào mua công khai được Gelex áp dụng với tất cả cổ đông Viglacera, kể cả các cổ đông đã đăng ký bán cổ phiếu cho công ty.

Sau khi hoàn tất đợt chào mua, dự kiến tỷ lệ sở hữu của Gelex sẽ tăng  từ 24,96% lên 46,15% vốn điều lệ của Viglacera. Trước đó, vào ngày 11/9, giá chào mua công khai cổ phiếu VGC được điều chỉnh tăng từ 17.700 đồng/cp lên 21.500 đồng/cp, trong khi đó trên thị trường chứng khoán, VGC có thị giá 22.800 đồng/cp.

Tạm tính theo thị giá, số tiền Gelex chi ra khi điều chỉnh giá lần 2 khoảng 2.166 tỷ đồng. Việc chào mua công khai cổ phiếu VGC của Gelex nằm trong kế hoạch mua và sở hữu chi phối Viglacera đã được ĐHĐCĐ của Gelex thông qua trong phiên họp thường niên ngày 18/6/2020.

Kể từ thời điểm Gelex công bố kế hoạch mua chi phối Viglacera, theo thống kê trên thị trường, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC theo phương thức khớp lệnh đến ngày 17/09/2020 đạt 44.034.590 cổ phiếu, theo phương thức thỏa thuận đạt 89.477.050 cổ phiếu. Tổng khối lượng theo cả hai phương thức là 133.511.640 cổ phiếu, tương đương với 29,8% vốn điều lệ của Viglacera, và vượt con số 95 triệu cổ phiếu mà Gelex chào mua.

Tại một thống kê khác, trong 6 tháng gần đây (tính đến ngày 17/09/2020), tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC theo phương thức thỏa thuận đạt 114.608.050 cổ phiếu, chiếm 26% vốn điều lệ của Viglacera.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông của VGC, bên cạnh Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% và đang có dự định thoái hết vốn trong năm 2020, nhóm cổ đông Gelex sở hữu 24,96%.

Trong thời gian gần đây, Viglacera và Gelex đang phối hợp với nhau với mục tiêu trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Hai bên đang triển khai các thủ tục pháp lý để mở rộng dự án 100 ha tại Tây Ninh lên 600 ha, đã mua khu công nghiệp Long Sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng Viglacera hiện sở hữu 12 khu công nghiệp ở miền Bắc với tổng quỹ đất hơn 5.000 ha.

Được biết, Viglacera là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn hàng đầu khu vực miền Bắc. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Viglacera gồm 2 mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất vật liệu xây dựng và cho thuê đất khu công nghiệp.

Gelex chính thức trở thành cổ đông lớn của Viglacera vào cuối tháng 2/2019 sau khi công ty con Thiết bị điện Gelex mua 27 triệu cổ phiếu VGC , tương đương 6,02% vốn của công ty từ quỹ ngoại Dragon Capital. Trước đó, công ty mẹ Gelex cũng đã âm thầm mua gom 17 triệu cổ phiếu VGC. Nhóm Gelex công khai sở hữu gần 44 triệu cổ phiếu, tương đương 9,8% vốn Viglacera. Tỷ lệ này tăng mạnh lên 24,96% sau đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng vào cuối tháng 3/2019.

Đáng chú ý, Gelex lựa chọn xuất hiện tại Viglacera vào thời điểm tổng công ty này cùng khối tài sản khổng lồ rời sàn UpCOM để chuyển sang HoSE, và quan trọng hơn, là ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Viglacera - nơi Gelex kỳ vọng cụ thể hoá số cổ phần sở hữu bằng những chiếc "ghế" trong Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Lưu ý rằng cuộc thoái vốn của Bộ Xây dựng diễn ra không lâu trước ĐHĐCĐ thường niên của Viglacera. Và dù chỉ bán được 16%/18% đăng ký, thì tỷ lệ sở hữu cũng giảm từ mức quá bán 54% về 38%. Bỏ qua những nghi ngại về lợi ích nhà nước (vì sao không đấu giá toàn bộ hay bán cổ phần chi phối như Sabeco, Vinamilk), thì việc bán mạnh vốn trước thềm ĐHĐCĐ, dù vô tình hay hữu ý, đã "dọn đường" cho nhóm Gelex đưa người vào HĐQT Viglacera.

Có thể bạn quan tâm