Giá đất tại đặc khu giảm mạnh, “chim sẻ” tháo chạy

Sau các địa phương quyết định tạm ngừng giao dịch, Quốc hội đã chính thức đồng ý ngừng thông qua Luật đặc khu khiến giá đất tại các khu vực này đã giảm đáng kể, biến động lớn này đã làm những nhà đầu
Giá đất tại đặc khu giảm mạnh, “chim sẻ” tháo chạy

Giao dịch bất động sản bị ngừng, các nhà đầu tư ngắn hạn, giới đầu cơ đã rút khỏi và giá bất động sản ở các đặc khu giảm xuống theo đúng giá trị thực tại các khu vực được cho là sẽ xây dựng đặc khu kinh tế.

Quyết định hạn chế giao dịch, dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các khu phân lô, tách thửa tại Phú Quốc tạm thời từ tháng 5 khiến giao dịch bất động sản trở nên trầm lắng.

Hiện nay, giá bất động sản ở Phú Quốc chào đã giảm 20-30% so với một vài tháng trước, cụ thể một mảnh đất 1.000 m2 trước khoảng 2 tỷ đồng giờ đã giảm xuống còn từ 1,4- 1,6 tỷ đồng.

Hiện, chỉ còn những sàn giao dịch, điểm mua bán do người dân sống ở Phú Quốc kinh doanh. Giao dịch mua bán đất ở Phú Quốc có giảm nhẹ sau thông tin lùi thông qua luật đặc khu kinh tế Trao đổi với thuonggiaonline.vn, đại diện một công ty đầu tư kinh doanh dự án phân lô đất nền có quy mô 3ha tại Phú Quốc chia sẻ, thông tin lùi thời gian thông qua dự luật đặc khu có ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Song giao dịch đất vẫn diễn ra bình thường, có giảm nhẹ ở khu vực trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp… do lo ngại vấn đề pháp lý, rủi ro.

Đất thổ cư có đầy đủ pháp lý sổ đỏ vẫn có nhu cầu lớn, giao dịch bình thường, thậm chí giá vẫn tăng. “Nhiều người kỳ vọng sau sốt thì giá xuống, nhưng thực tế không có đâu. Vì giá xuống vẫn trong ngưỡng chịu đựng được, còn nhu cầu thực vẫn lớn”, vị này nói, phân tích thêm: so với các địa phương có biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết… thì mức độ tăng trưởng giá đất của Phú Quốc vẫn còn dư địa tăng tốt hơn.

Một văn phòng giao dịch bất động sản ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bắc Vân Phong, theo đó, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đã lắng xuống rất nhiều. Huyện Vạn Ninh là địa phương được dự kiến thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt  Bắc Vân Phong.

Ghi nhận tại Vạn Ninh trong những ngày qua, giao dịch đất đai tại nơi vốn là điểm nóng vài tháng trước đang rất bình lặng. Hầu hết văn phòng giao dịch, môi giới BĐS ở đây đều vắng khách. Nhiều điểm đóng cửa im ỉm, có điểm mở cửa nhưng không có nhân viên nào trực. Gọi vào số điện thoại của các văn phòng cũng hiếm có người nghe.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, cho biết từ khi có lệnh tạm dừng của UBND tỉnh, phần lớn giao dịch đất ở địa phương đều dừng lại, trừ những thửa đất có 100% diện tích là đất thổ cư.

Tại Vân Đồn, Quảng Ninh cũng ghi nhận tình trạng tương tự, hiện nay, nhiều sàn giao dịch bất động sản, đơn vị môi giới, tư vấn bất động sản nằm trên trục đường 334, trục đường chính huyện Vân Đồn đều trong tình trạng vắng bóng khách. Trong khi, trước đây vài tháng, trục đường 334 (đoạn đi qua khu 5, Thị trấn Cái Rồng) chật kín các ô tô của khách đến các văn phòng tư vấn, văn phòng môi giới đất để thực hiện các giao dịch.

Bộ phận tiếp nhận hố sơ liên quan đến TNMT huyện Vân Đồn vắng lặng như này đã hơn tuần nay

Trước đó, tình trạng sốt đất tại Vân Đồn do các “cò” đất đai dùng chiêu trò thổi giá, ngày 03/5, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, đã trực tiếp đi kiểm tra và có buổi làm việc với huyện Vân Đồn về các nội dung liên quan liên quan đến công tác quản lý đất đai. Tại buổi làm việc này, ông Đọc đã có chỉ đạo là Quảng Ninh sẽ tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, trường hợp đặc biệt phải báo cáo tỉnh xem xét, quyết định.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ bán tháo để rút vốn về, xảy ra bán rẻ, dự báo thị trường bất động sản đặc khu giá xuống nhanh. Toàn bộ hệ thống môi giới đất đai, trái pháp luật ở các đặc khu thì hầu như đóng cửa văn phòng, không giao dịch. Đây là những môi giới không chuyên, tự phát chiếm khoảng 50% số lượng môi giới và văn phòng giao dịch bất động sản ở các đặc khu.

Giá bất động sản sẽ xuống vì trước đây đã bị đẩy lên trên giá trị thực. Giá xuống đúng giá trị sẽ phù hợp để phát triển kinh tế, giúp các nhà đầu tư bất động sản có điều kiện tiếp cận đất đai phát triển tốt hơn. Những người có nhu cầu mua bán bất động sản để đầu tư dài hạn thì vẫn quan tâm đến thị trường này, ông Đính phân tích.

Nhìn nhận về các chính sách tạm dừng giao dịch đất, lùi dự án luật đặc khu… một số nhà đầu tư cho rằng, đây chỉ là biện pháp hành chính ví như “cơ chế phanh gấp” để điều tiết, kiểm soát thị trường không tăng nóng quá mức, nhưng cũng không hẳn tốt cho thị trường lâu dài. Thị trường vận động tự nhiên theo quy luật cung cầu, đúng pháp luật, nếu bị đóng băng quá lâu, thì các nhà đầu tư lớn mới chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

“Nếu khoác thêm tấm áo đặc khu thì thị trường sẽ sôi động hơn, nhưng nhiều nhà đầu tư họ có sự chuẩn bị, khôn ngoan lựa chọn thị trường để ôm đất với tầm nhìn 5-10 năm, mà không phụ thuộc vào việc có hay không có đặc khu”, một nhà đầu tư chia sẻ. Các nhà đầu tư cũng đã đổ lượng vốn khổng lồ vào thị trường Vân Đồn, tạo nên cơn sốt đất sôi động vừa qua. Sau khi dự án luật đặc khu tạm lùi thông qua, nhiều nhà đầu tư cho biết, họ xác định ôm đất cho mục tiêu trung dài hạn để có lợi nhuận tốt nhất, thay vì đầu cơ lướt sóng rủi ro cao.

Nếu nhà đầu tư có vốn thực, không vay mượn thì việc chờ đợi thêm thời gian để mô hình đặc khu thành hình, pháp lý rõ ràng hơn cũng không đáng ngại. Cơ hội thị trường bất động sản sẽ sớm sôi động trở lại. Chia sẻ với báo chí, ông Lê Ngọc Quỳnh – Tổng Giám đốc TVR cho rằng, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào đặc khu theo quy hoạch rõ ràng, giờ phải hoãn thời gian đầu tư để phù hợp tình hình mới. “Quyết định lùi thời gian thông qua đặc khu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người mua đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp chờ chuyển đổi. Nhà đầu tư mua những khu vực chưa có quy hoạch rõ ràng sẽ gặp rủi ro lớn.

Có thể bạn quan tâm