Giải cứu Đạm Ninh Bình: có được không?

Tập đoàn Hóa chất kiến nghịlên Chính phủ về việc “giải cứu” hai doanh nghiệp thua lỗ là Nhà máy Đạm Ninh Bình và Nhà máy Đạm Hà Bắc giữa lúc Thủ tướng vừa có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám
Giải cứu Đạm Ninh Bình: có được không?

Thủ tướng Chính có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh và các dự án có vay vốn nước ngoài, làm ăn kém hiệu quả.

Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc không phải là các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn làm dự án. Tuy nhiên, trong Quy hoạch phát triển ngành hóa chất Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, Đạm Ninh Bình là dự án trọng điểm, có quy mô và công suất lớn thứ ba cả nước, cùng với dự án Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. Vì là công ty con của tập đoàn Hóa chất nên Đạm Ninh Bình dễ dàng vay được 250 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc (trong tổng vốn đầu tư 607 triệu đô la Mỹ), với lãi suất 4%/năm, thời hạn vay vốn 15 năm.

Đồng thời, Đạm Ninh Bình phải sử dụng tổng thầu EPC Trung Quốc như điều kiện đánh đổi. Để rồi, sau bốn năm đi vào hoạt động, dự án này lỗ lũy kế 2.700 tỉ đồng, không quyết toán được dự án. Còn Đạm Hà Bắc lỗ 677 tỉ đồng (2015), dự kiến sẽ lỗ hơn 488 tỉ đồng (2018) và sẽ còn tiếp tục lỗ đến năm 2019. Nếu là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tự vay, tự trả, không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn thì tại sao tập đoàn Hóa chất, trong văn bản hôm 7-9-2016 gửi Chính phủ, lại đưa ra hàng loạt đề xuất “xin” Chính phủ giải cứu các dự án?

Trong số đó, có các đề xuất không khác gì kịch bản đã từng dùng để giải cứu Vinashin, Vinalines trước đây. Ví dụ, đề xuất chuyển số nợ 2.708 tỉ đồng mà Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình vay của Ngân hàng Phát triển (VDB) thành vốn góp.

Nếu không được thì đề xuất Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho khoanh nợ năm năm, không trả nợ gốc, không tính lãi vay. Với dự án Đạm Hà Bắc, tập đoàn Hóa chất cũng đưa ra những đề xuất tương tự: Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ý kiến với các ngân hàng như BIDV, VCB, VietinBank tiếp tục cấp vốn cho các dự án để sản xuất kinh doanh.

Nếu chuyển nợ của dự án Đạm Ninh Bình thành vốn góp hoặc khoanh nợ cho Đạm Ninh Bình thì đều là sử dụng ngân sách để giải cứu doanh nghiệp vì VDB là ngân hàng chính sách, sử dụng vốn ngân sách. Nó gián tiếp làm gia tăng nợ chính phủ (do Chính phủ phát hành trái phiếu để huy động vốn, cấp phát vốn cho VDB).

Khi Vinashin, Vinalines đứng trên bờ vực phá sản, Chính phủ đã áp dụng một số biện pháp can thiệp hành chính tương tự như đề xuất của tập đoàn Hóa chất. Tuy nhiên, sau nhiều năm, Vinashin vẫn không thể phục hồi và Vinalines phải dùng đến hàng loạt biện pháp kỹ thuật, công cụ tài chính chỉ để làm đẹp sổ sách.

Các giải pháp từng áp dụng cho Vinashin, Vinalines không cứu được thua lỗ do các tập đoàn kinh tế nhà nước này làm ăn kém hiệu quả, nay có lý gì lại tiếp tục áp dụng vào tập đoàn Hóa chất? Trên thực tế, Chính phủ luôn theo sát dự án Đạm Ninh Bình.

Từ năm 2014, 2015, các phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải đã có các ý kiến chỉ đạo tập đoàn Hóa chất khẩn trương rà soát các tồn tại của dự án với tổng thầu, giải quyết giá bán than cho sản xuất điện và sản xuất phân bón cho nhà máy. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là tập đoàn Hóa chất không thể quyết toán được dự án sau 11 lần đàm phán với tổng thầu và dự án tiếp tục thua lỗ.

Nếu Chính phủ chấp thuận bất cứ đề xuất nào của tập đoàn Hóa chất cũng không ổn vì VDB là ngân hàng chính sách, sử dụng vốn ngân sách. Nếu chuyển nợ tại dự án Đạm Ninh Bình thành vốn góp hoặc khoanh nợ cho Đạm Ninh Bình thì đều là sử dụng ngân sách để giải cứu doanh nghiệp. Nó gián tiếp làm gia tăng nợ chính phủ (do Chính phủ phát hành trái phiếu để huy động vốn, cấp phát vốn cho VDB).

Can thiệp bằng biện pháp hành chính như trên có thể là một cách làm “biến tướng” hình thức bảo lãnh Chính phủ đang phải tạm dừng. Mặt khác, nếu Đạm Ninh Bình không tự vay - tự trả mà tập đoàn Hóa chất phải trả thì cũng khác gì dùng tiền nhà nước để xử lý các hình thức thua lỗ của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Hình thức chuyển nợ thành vốn góp ngân hàng đã được VietinBank sử dụng để ngân hàng này trở thành cổ đông của Cảng Sài Gòn - thuộc Vinalines. Tuy đã có quy định “đổi nợ thành vốn góp” nhưng các ngân hàng thương mại phải xin phép NHNN trong thời gian gần hai năm mới xử lý được, và cũng chỉ với mục đích làm đẹp sổ sách là chính.

Đến nay, VietinBank cũng phải bán số cổ phần đó đi. VDB chưa áp dụng hình thức này với “con nợ” nào. Mua bán nợ tại Đạm Ninh Bình theo cơ chế thị trường thông qua Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ (DATC) của Bộ Tài chính hay Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) của NHNN được không? Một lãnh đạo DATC nói với TBKTSG rằng, họ cũng có tìm hiểu bước đầu về tình trạng của dự án Đạm Ninh Nình.

Song, dự án không quyết toán được thì lấy đâu căn cứ để xác định công nợ, thua lỗ để làm căn cứ mua nợ? Hơn nữa, dự án này sử dụng thiết bị và công nghệ Trung Quốc nên có thể gặp rất nhiều rủi ro khi mua - bán sau này.

Cách tốt nhất là để tập đoàn Hóa chất và Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc tự cứu chính mình bằng các giải pháp mang tính thị trường. Nếu không, sau các dự án đạm, xi măng, giấy... không biết sẽ có thêm dự án nào nữa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kêu cứu lên Chính phủ.

Theo Ngọc Lan/TBKTSG

Có thể bạn quan tâm