Giải mã tuyệt chiêu “biến không thành có” của ông chủ “đế chế tivi Việt” Phạm Văn Tam

Chen chân vào thị trường điện tử vốn đã được ken kín bởi các đại gia ngoại nhưng với chiến lược khôn ngoan, CEO Phạm Văn Tam đã đưa Asanzo vươn lên Top 4 thương hiệu Tivi và chiếm 16% thị phần tại VN,
Giải mã tuyệt chiêu “biến không thành có” của ông chủ “đế chế tivi Việt” Phạm Văn Tam

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Điện tử Asanzo

Trong các câu chuyện về khởi nghiệp, CEO Phạm Văn Tam luôn được nhắc đến như là một hình mẫu doanh nhân trẻ vươn lên từ hai bàn tay trắng, thành công nhờ kinh nghiệm lăn lộn gần 20 năm trên thương trường.

Vị CEO thế hệ 8x vốn chỉ học hết lớp 12, quê Quảng Ninh vào TP.HCM lập nghiệp năm 2002 với “kinh đô” là chợ điện tử Nhật Tảo. Trải qua không ít thương vụ thất bại, cuối năm 2013, Phạm Văn Tam quyết định lập Công ty CP Asanzo (nay là Tập đoàn điện tử Asanzo), đầu tư nhà máy trị giá 20 triệu USD tại TP.HCM.

Chọn thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng lớn

“Điều khác biệt của Asanzo là xác định ngay từ đầu "miếng bánh" của mình là phân khúc trung bình. Thị trường nông thôn thiếu TV là chuyện đương nhiên nhưng ngay cả ở thành thị, cứ vào những khu công nghiệp, đến những phòng trọ của công nhân thì sẽ thấy nơi đây không có chỗ cho những chiếc TV đắt tiền”, Phạm Văn Tam chia sẻ.

“Asanzo không tham vọng cạnh tranh ở thị trường lớn “đại dương đỏ” mà chỉ muốn tiên phong và chinh phục một thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng lớn”.

Đấy chính là thị trường của Asanzo, một thị trường rộng lớn mà những "ông lớn" không thèm để mắt đến vì rõ ràng bán một chiếc TV thông minh thu về lợi nhuận nhiều hơn hẳn, còn những doanh nghiệp nhỏ thì vẫn chưa đủ sức để chiếm lĩnh thị trường. Nói một cách khác, Asanzo ra đời là để lấp những chỗ trống mà các tập đoàn không làm.

“Họ chỉ làm từ 32 inches trở lên thì tôi làm từ 25 inches trở xuống. Có thể những khách sạn 4-5 sao trở lên, họ không dùng ti vi của tôi nhưng từ 2-3 sao trở xuống họ sẽ dùng vì sản phẩm Asanzo có giá thành hợp lý, hậu mãi giống nhau và chế độ bảo hành không có gì khác biệt”, Phạm Văn Tam phân tích.

Chiến lược rẻ, bền, đẹp

Tuy nhiên, Tam hiểu rằng để chinh phục được thị trường nông thôn, những gia đình có thu nhập thấp không hề đơn giản. Bởi thị trường nông thôn là trải rộng trên một diện tích lớn, nhu cầu đa dạng tùy theo văn hóa vùng miền và đặc biệt là giá phải rẻ nhưng chất lượng bền đẹp, sử dụng linh kiện của Nhật, Samsung, LG…

CEO Phạm Văn Tam còn được gọi là bầu Tam khi Asanzo đầu tư, trở thành nhà tài trợ chính của câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng.

Bằng am hiểu của mình, ông chủ Asanzo bắt đầu tạo “khuôn đúc” cho từng thị trường. Chẳng hạn với miền Tây sông nước, Asanzo có dòng Tivi 18 inch, 22 inch, 25 inch chạy bằng ắc quy, màu đỏ, loa to, phủ khắp các ghe tàu. Trong khi đó, ở miền Trung xứ biển nắng gió, sản phẩm của Asanzo có đặc tính chống oxy hóa, màu đen theo tính cách đơn giản của người dân. Riêng thị trường miền Bắc, Tivi của hãng lại có hình thức hơi giống nước ngoài…

Hoặc để phục vụ các tín đồ bóng đá, Asanzo đã tích hợp ứng dụng FPT Play cho phép người xem truy cập hơn 150 kênh truyền hình trong nước và quốc tế để theo dõi giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2017-2018 cho dòng tivi X8 và X9. Hay với những người có thói quen hát Karaoke, Asanzo cài đặt thêm phần mềm Karaoke Offline với 12.000 bài hát cho một số mẫu.

Tái định nghĩa giá rẻ

Ông chủ Asanzo cũng bắt đầu tái định nghĩa về giá rẻ, rằng của rẻ không phải là “của ôi”, là hàng chất lượng kém mà được lược bỏ các tính năng không cần thiết với nhu cầu thực một cách thông minh, từ đó giảm giá thành.

“Tôi luôn suy nghĩ mình không được bắt bà con nông dân phải trả thêm tiền cho những chức năng dư thừa, không bao giờ dùng đến của Tivi”, Tam chia sẻ và lấy ví dụ, Tivi của các thương hiệu ngoại dùng tới 2 cổng HDMI và 4 cổng USB. Nhưng Tivi Asanzo chỉ có 1 cổng HDMI và 1 cổng USB.

Việc mạnh tay lược bỏ những chi tiết không cần thiết đã giúp chi phí nhân công tiết giảm được 30%, thời gian tiết kiệm 15% và giá Tivi rẻ hơn gần 35% so với thị trường.

Nhờ đi vào thị trường ngách và am hiểu khách hàng, Asanzo đã có những “bước tiến thần tốc” với tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 40%. Tập đoàn điện tử Việt này đang sở hữu những con số đáng mơ ước với khoảng 3 triệu sản phẩm gia dụng đã được đưa đến tay người tiêu dùng.

Hiện Tập đoàn có đến hơn 70 dòng sản phẩm phục vụ cho tất cả các nhu cầu về điện tử, điện lạnh và điện thoại; sở hữu 6.000 điểm bán và 1.000 trạm bảo hành toàn quốc. Dự kiến doanh thu năm 2018 sẽ đạt trên 8.300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Asanzo có 4 nhà máy sản xuất tại TP.HCM, Long An và Hải Dương. Năm 2018, doanh nghiệp cho biết sẽ đầu tư 20 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại huyện Củ Chi (TP.HCM), diện tích khoảng 17.000m2 nhằm phục vụ thị trường miền Trung và miền Nam.

Với phong cách thân thiện, hòa đồng và mộc mạc, ông chủ Asanzo luôn được lòng khách hàng và đối tác

Cuối năm 2017, ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam đã có một quyết định táo bạo khi đầu tư 250 tỷ đồng vào dự án Kooda với các dòng TV cận cao cấp, giúp tập đoàn bán hơn 12.000 sản phẩm chỉ sau hai tháng ra mắt và dự kiến đạt hơn 20.000 vào 5/2018.

CEO Phạm Văn Tam còn “liều lĩnh” đầu tư 200 tỷ đồng vào sản xuất điện thoại thông minh, ra mắt 2 mẫu đầu tiên vào tháng 8/2017.

“Điện thoại là một cuộc chơi tốn kém nhưng tôi tin vào lối đi riêng của mình”, Tam chia sẻ và cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục ra mắt 6 mẫu điện thoại thông minh giá rẻ, pin “trâu”.

“Asanzo sẽ tập trung cho mảng smartphone để hai năm tới, phân khúc điện thoại mang lại 30% tổng doanh thu cho tập đoàn, cung ứng ra thị trường trên 2 triệu chiếc”, ông chủ Asanzo hé lộ tham vọng chinh phục thị trường smartphone.

Đã làm thì phải làm cho tới

Chia sẻ tại chương trình Quốc gia khởi nghiệp mới đây, CEO Phạm Văn Tam cho rằng: Thành tựu của Asanzo không phải đến từ điều kỳ diệu hay may mắn mà yếu tố quyết định thành công chính là kinh nghiệm thực tế gần 20 năm lăn lộn trên thương trường.

Theo vị lãnh đạo trẻ tuổi, các bạn trẻ khi khởi nghiệp cần “không sợ, không ngại cạnh tranh”, dám làm, dám thử mới có kinh nghiệm. Đây là điều có tiền cũng không thể mua được. Nhờ kinh nghiệm, người kinh doanh mới thực sự hiểu về lĩnh vực – sản phẩm đang làm, hiểu khách hàng và nhất là thấu hiểu chính mình.

Ở một khía cạnh khác, theo anh Tam, các start-up nên chọn địa bàn hoạt động phù hợp, không nên “xây mộng” toàn quốc, toàn cầu khi lực chưa đủ và cần định hướng sản phẩm để nhắm tới người tiêu dùng cụ thể.

“Khởi nghiệp không nên chung chung, mơ mộng, tô hồng viễn cảnh và đặc biệt là đã làm thì phải làm cho tới”, CEO Phạm Văn Tam nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm