Giám đốc Đầu tư VinaCapital nói gì về thương vụ mua 11% cổ phần HAR?

Lý giải khoản đầu tư vào HAR, giám đốc đầu tư của VinaCapital cho biết đúng là trước đây HAR chỉ là một cái tên rất nhỏ trong thị trường bất động sản Việt Nam, tuy nhiên với việc có một người lãnh đạo
Giám đốc Đầu tư VinaCapital nói gì về thương vụ mua 11% cổ phần HAR?

Với quyết định mua 11% cổ phần tại CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR), VinaCapital chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Công ty, chỉ đứng sau Chủ tịch HĐQT – ông Nguyễn Gia Bảo.

Các chuyên gia cho rằng đây là một bước đi bất ngờ của VinaCapital trong bối cảnh các quỹ của VinaCapital vừa thoái vốn một khoản trị giá 126 triệu USD khỏi các dự án bất động sản.

Để tìm hiểu kĩ hơn về quyết định này, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Văn Mẫn – Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital.

Thưa ông Mẫn, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây đã có những diễn biến rung lắc đáng kể, vậy ông có thể đưa ra những nhận định của mình về thị trường trong thời gian tới?

Như đã biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một vài sự điều chỉnh nhất định sau khi chỉ số VN-Index có một vài lần thử thách ngưỡng 830 điểm thất bại. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự điều chỉnh này là rất cần thiết để giúp nhiều cổ phiếu thiết lập một mặt bằng giá mới sau khi đã có sự tăng trưởng tương đối ‘nóng’. Thị trường khả năng sẽ trải qua các nhịp giằng co tăng, giảm điểm đan xen với xu hướng đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ của các chỉ số trong quý IV. Bên cạnh đó, yếu tố KQKD quý III/2017 khó có thể giúp thị trường tăng trưởng đột biến như trước do phần lớn giá của nhiều cổ phiếu đã được phản ánh rõ trong nhịp tăng trước đó.

Mặc dù vậy, với những yếu tố vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực, tiềm năng tăng trưởng ở hoạt động SXKD của nhiều doanh nghiệp vẫn được đánh giá cao. Bên cạnh đó, sức nóng từ các thương vụ IPO các tập đoàn, tổng công ty sẽ tiếp tục lan tỏa trong quý cuối năm có thể thu hút một lượng tiền lớn từ thị trường chứng khoán, do đó tôi đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2017 khó có sự tăng trưởng vượt bậc như trước, thay vào đó, sự phân hóa tiệp tục diễn ra giữa khác ngành, trong đó, nhóm ngành bất động sản, và ngân hàng có thể là tâm điểm của dòng tiền.

Mới đây, Vinacapital công bố đầu tư mua đến 11% vốn tại HAR, đây được cho là điều khá bất ngờ bởi HAR trước đây không có quá nhiều điều đặc biệt, vậy ông có thể cho biết tại sao lại đưa ra quyết định táo bạo này?

Về khoản đầu tư vào HAR, đúng là trước đây công ty này chỉ là một cái tên rất nhỏ trong thị trường bất động sản Việt Nam, tuy nhiên với việc có một người lãnh đạo tâm huyết như ông Nguyễn Gia Bảo – tân Chủ tịch HĐQT – thì HAR dường như đã lột xác. Kể từ sau ĐHĐCĐ 2017, việc tái cấu trúc toàn diện đã giúp bộ máy của công ty vận hành trơn tru hơn, đường lối phát triển cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Công ty hiện tại đã dần chuyển sang mô hình chuyên thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp tốt, nhiều quỹ đất vàng để phục vụ cho sự phát triển trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.

Ban đầu, tôi cũng khá nghi ngại về khả năng thành công của chiến lược mới do ông Bảo đề ra, nhưng các thương vụ M&A liên tiếp được HAR thực hiện trong một thời gian ngắn đã khiến tôi bất ngờ và phải tìm hiểu, phân tích sâu hơn. Trong số các thương vụ được thực hiện thời gian qua ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến việc thâu tóm CTCP Cơ khí Ngân hàng. Đây là một doanh nghiệp đầy tiềm năng để HAR có thể khai thác, từ việc là một doanh nghiệp độc quyền về dịch vụ thi công kho tiền, xe chở tiền cho đến việc công ty có một vài quỹ đất vàng ở những nơi có địa thế rất đẹp.

Cũng không thể không nhắc đến việc HAR đã quyết tâm thâu tóm doanh nghiệp đã gắn liền với thương hiệu Xà bông Cô Ba đình đám một thời. Đây có lẽ là thương vụ làm nhiều người bất ngờ nhất, trong đó có tôi bởi An Dương Thảo Điền cho thấy họ không chỉ làm kinh doanh mà còn muốn đóng góp nhiều hơn vào việc gìn giữ và phát triển các thương hiệu tiêu dùng của Việt Nam.

Tôi kỳ rọng rằng HAR có thể sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới để cùng với những doanh nghiệp BĐS trong danh mục như CTCP Tasco (mã HUT) đem lại lợi ích đáng kể cho quỹ.

Được biết KQKD của HAR trong các quý gần đây mặc dù bắt đầu có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chưa phải quá tốt, ông có nhận xét gì về điều này?

Theo tôi nhìn từ những kế hoạch tham vọng thời gian gần đây, KQKD của HAR đang ngày một tốt hơn, minh chứng rõ nhất là việc Công ty mới thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận tăng mạnh lên 40% so với kế hoạch trước đó. Nguyên nhân của sự điều chỉnh này được Công ty đưa ra là nhờ vào việc hợp nhất doanh thu từ các công ty mới chi phối cũng như việc tái cấu trúc tài chính, bán bớt các mảng kinh doanh không thuộc kinh doanh chốt lõi của chính các công ty mới mua.

Rõ ràng chính sách phát triển của HAR thời gian qua đang từng bước đem lại hiệu quả. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không chỉ xem xét đến những yếu tố ngắn hạn mà còn quan tâm đến các tiềm lực dài hạn - điều mà Vinacapital đang nhìn thấy được trong đường lối phát triển kinh doanh của HAR. Và chúng tôi hoàn toàn có thể cân nhắc mở rộng thêm khoản đầu tư này.

Vâng xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo Phương Lan/ Nhịp sống trẻ

>> VGC liên tục lập đỉnh, nhóm VinaCapital vẫn rót thêm trăm tỷ để trở thành cổ đông lớn của Viglacera

Có thể bạn quan tâm