Gỡ vướng nới room, chờ... 2 năm nữa

Những khó khăn, vướng mắc về nới room khối ngoại được các cơ quan chức năng nỗ lực tháo gỡ, nhưng để tháo gỡ triệt để, có lẽ phải chờ sửa Luật Chứng khoán, dự kiến trong khoảng 2 năm nữa.
Gỡ vướng nới room, chờ... 2 năm nữa

Từ khi chính sách nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) từ 49% lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có hiệu lực ngày 1/9/2015 đến nay, mới chỉ có hơn 10 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nâng room.

Mở room và lộ diện vướng mắc

Ngày 25/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP quy định, công ty đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định tại điều lệ công ty.

Theo đó, ngoại trừ 226 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hầu hết room cho các ngành nghề được áp dụng đến mức tối đa 100%. Các công ty niêm yết chỉ cần tiến hành xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, hoặc được đại hội đồng cổ đông đồng ý là được nâng room.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là doanh nghiệp đầu tiên mở room ngay khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực. Quyết định mở room của SSI đã giúp nhà đầu tư ngoại Daiwa Securities Group Inc liên tục tăng tỷ lệ sở hữu, đồng thời Quỹ Market Vectors Vietnam ETF thêm cổ phiếu SSI vào danh mục trong kỳ cơ cấu lại danh mục đầu tư sau đó.

Một số doanh nghiệp khác (xem bảng) cũng đã tiến hành mở room trong vòng hơn 1 năm qua, nhưng thực tế cho thấy, không phải cứ  mở room là khối ngoại lập tức mua thêm cổ phiếu.

Gỡ vướng nới room, chờ... 2 năm nữa ảnh 1

Theo thống kê, trong hơn 1 năm qua, có khoảng 25 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin nới room và hơn 10 công ty hoàn tất mở room. Một số doanh nghiệp khác đã được đại hội đồng cổ đông đồng ý mở room, nhưng chưa hoàn tất các thủ tục như HCM, NVT, ASP… Số doanh nghiệp mở room quá ít là do việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định về room trên thị trường chứng khoán, nhưng trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đầu tư, kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó. Do chưa có văn bản tổng hợp các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong từng ngành nghề, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện quy định trên.

Theo khảo sát của StoxPlus, trung bình hiện nay, một doanh nghiệp đăng ký 19 ngành nghề kinh doanh, nên để mở room, doanh nghiệp phải rút bớt ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm bị hạn chế.     

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động đa ngành và có một số ngành nằm trong lĩnh vực bị giới hạn sở hữu nước ngoài, thì room không được vượt quá mức thấp nhất trong các ngành đó. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề.

Theo khảo sát của StoxPlus, trung bình hiện nay, một doanh nghiệp đăng ký 19 ngành nghề kinh doanh, nên để mở room, doanh nghiệp phải rút bớt ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm bị hạn chế. Thực tế, VNM và CII đã phải tiến hành việc này, nhưng nhiều doanh nghiệp khác không dễ từ bỏ những ngành nghề kinh doanh đang hoạt động.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là một ví dụ: REE sẵn sàng mở room, nhưng một trong những lĩnh vực hoạt động của Công ty là bất động sản, thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Một vướng mắc khác là Điều 23, Luật Đầu tư 2014 quy định, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên thì doanh nghiệp đó được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ thực hiện thủ tục đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Gỡ vướng nới room, chờ... 2 năm nữa ảnh 2
 Nhiều công ty muốn nới room, nhưng vướng ngành nghề kinh doanh có điều kiện - Ảnh: Dũng Minh

Quy định này khiến các doanh nghiệp quan ngại, sau khi nới room, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt trên 51% thì doanh nghiệp sẽ gặp một số hạn chế khi đầu tư, kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần...

Chưa kể, trên thị trường chứng khoán, giao dịch mua bán cổ phần diễn ra thường xuyên, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại thay đổi lên xuống quanh mức 51% liên tục thì xác định địa vị pháp lý doanh nghiệp như thế nào?

Cổ đông Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) mong muốn HSC mở room từ lâu, nhưng ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC chia sẻ: “Mở room cũng được thôi, nhưng nếu không thận trọng thì sau này có thể gặp nhiều vướng mắc. Hiện tại, đây là vấn đề không đơn giản, cần suy nghĩ thấu đáo”.

Tìm giải pháp gỡ vướng

Nâng trần tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là một chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho thị trường chứng khoán, đa dạng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để Tổ chức MSCI xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Kết quả một cuộc khảo sát nhà đầu tư nước ngoài do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phối hợp với Công ty cổ phần Stoxplus công bố mới đây cho thấy, có 83,3% nhà đầu tư nước ngoài được khảo sát cho biết, họ sẵn sàng bỏ thêm vốn nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, trở thành thị trường mới nổi.

Trong 2 năm tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan, ban ngành có liên quan để xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán mới, phù hợp với tình hình thực tế, cũng như giải quyết những mâu thuẫn hiện nay.

Trước những vướng mắc khi triển khai nới room, đã có không ít phương án được đề xuất, nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa bằng văn bản pháp lý. Thực tế, không chỉ chưa thống nhất được giải pháp hữu hiệu và khả thi, mà nhà quản lý còn phải cân nhắc sửa đổi các vướng mắc về nới room vào văn bản pháp lý nào để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi và đạt hiệu quả tốt khi đưa vào áp dụng.

Chẳng hạn, trong Dự thảo Nghị định về điều kiện và quản ký kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định, các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vượt con số 51% vẫn được coi là doanh nghiệp trong nước trong các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nội dung này sau đó được đưa vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Dự án luật này ban đầu có phạm vi sửa đổi liên quan đến 12 luật, sau đó giảm xuống 3 luật, gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng và đang được hoàn thiện nội dung.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng cho biết, quá trình triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP tại các doanh nghiệp phát sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt khi tham chiếu với các luật chuyên ngành. Trong 2 năm tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan, ban ngành có liên quan để xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán mới, phù hợp với tình hình thực tế, cũng như giải quyết những mâu thuẫn hiện nay.

Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đề xuất giảm số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Về vấn đề này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Bộ đã cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nếu ngành nghề đăng ký kinh doanh không có trong danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì áp dụng như với nhà đầu tư trong nước. Với quy định pháp lý như hiện nay, nới room vẫn là bài toán khó thực thi với các doanh nghiệp trên sàn.

Với khối ngân hàng, một số nhà băng đề xuất được nâng trần tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại từ 30% hiện tại lên 35% hoặc 40% để có thể chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nhằm tăng năng lực tài chính, đồng thời giải quyết áp lực tăng vốn khi áp dụng các chuẩn mực Basel II.

Trang web DealStreetAsia cho biết, Vietcombank muốn nới room ngoại lên 35% để phát hành thêm cho cổ đông chiến lược là Mizuho Bank (Nhật Bản), VietinBank đang xin phép được nới room ngoại lên 40%, ABBank và SCB cũng có ý định nâng room.

Theo Khắc Lâm/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm