Góc khuất nghề môi giới bất động sản

Trang phục lịch sự, giao tiếp lịch thiệp, thu nhập khủng… là những gì mọi người vẫn nghĩ về nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, có những góc khuất trong nghề mà chính người trong cuộc cũng khó thổ
Góc khuất nghề môi giới bất động sản

Môi trường khắc nghiệt

Theo con hẻm nhỏ tối tăm đã trở lên quen thuộc của Hà Nội, về tới nhà trọ sau 10 giờ tối, anh Lê Đình Phượng (26 tuổi) - chuyên viên tư vấn bất động sản của một công ty có tiếng cho biết, anh vừa đi tiếp khách vì là khách “nét” nên phải chăm sóc kỹ hơn. Đây là một trong những công việc không tên nhưng gần như bắt buộc của nghề môi giới để có hợp đồng, có doanh số, sống được bằng nghề mà bất cứ ai muốn theo nghề này đều phải chấp nhận.

"Chúng tôi thường mặc những trang phục phẳng phiu, nước hoa thơm nức mũi, đồng hồ hàng hiệu, điện thoại đời mới…, nhưng để có được sự hào nhoáng đó, rất nhiều người trong chúng tôi phải đi vay bạn bè, người thân", một môi giới bất động sản có 3 năm trong nghề chia sẻ.

Bước đầu của một nhân viên tư vấn bất động sản sau phỏng vấn xin việc lương cơ bản chỉ có 3 triệu đồng/tháng, trong khi để có doanh số phải chi đủ thứ như chạy quảng cáo, đăng tin, SEO facebook, in tờ rơi, tiếp thị qua điện thoại, xăng xe… Có những tháng, những khoản chi phí này tốn tới cả chục triệu đồng, đó là việc phải làm, vì nếu không sẽ không thể tiếp cận được khách hàng và dĩ nhiên là không bán được hàng.

Áp lực doanh số, cạnh tranh rất gay gắt là không tránh khỏi, không chỉ giữa các dự án, công ty mà ngày cả giữa những đồng nghiệp làm cùng công ty. Việc “cướp” khách của đồng nghiệp cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Nhu cầu thị trường có hạn, trong khi số lượng môi giới tăng mạnh, để đảm bảo doanh thu, không ít người đã níu kéo khách bằng cách cắt hoa hồng lại cho khách, dân trong nghề gọi hành động đó là “cắt máu”.

Khó có ngôn từ nào diễn tả đầy đủ với hành động trích % cho khách là “cắt máu” khi đây chính là % ăn theo hợp đồng mà người môi giới xứng đáng được hưởng khi phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian mới bán được nhà, và sau đó tiền thu về có khi chỉ còn là đồng lương ít ỏi.

Người mua nhà hiện nay nhận ra sự cạnh tranh giữa các môi giới, khi một khách hàng nhưng 4, 5 môi giới chăm sóc là chuyện thường, nên ép giá mạnh, người nào cắt lại hoa hồng nhiều hơn thì họ mua của người đó. Tuy nhiên, nếu chạy theo doanh thu mà cắt hoa hồng cho khách, thì trừ chi phí, môi giới còn lại chẳng được bao nhiêu cho một giao dịch thành công.

Chắc hẳn ai cũng biết, mối quan hệ là yếu tố cực kỳ quan trọng để thành công trong nghề này. Chính vì vậy, chuyện phải đi nhậu, đi chơi chung với khách, thậm chí là về tận nhà khách để tư vấn dần trở thành một phần tất yếu của công việc. "Chúng tôi đã có lúc bị khách gọi đến nhà tư vấn và gạ gẫm", một nữ môi giới kể.

Đôi khi là nước mắt

Một vài năm gần đây, thị trường bất động sản ấm dần lên, các sàn giao dịch vừa và nhỏ nở rộ không chỉ trên phạm vi địa bàn Hà Nội, Sài Gòn… mà còn trong cả nước. Chính vì thế nhân viên môi giới cũng vì thế mà tăng mạnh. Số lượng đôi khi không đi liền với chất lượng khi nhiều văn phòng môi giới hoạt động chụp giật không chỉ có những dấu hiệu lừa đảo khách hàng mà còn ăn chặn tiền hoa hồng của chính nhân viên.

Chuyện nhân viên công ty môi giới kiện công ty để đòi tiền hoa hồng không phải là chuyện hiếm gặp, có những khoản hoa hồng lên đến vài tram triệu đồng. Kiện ra tòa để đòi tiền hoa hồng cũng không hề đơn giản vì nhiều lý do như: Hợp đồng giữa khách hàng và nhân viên có sai lệch, khách hàng chưa trả tiền cho chủ đầu tư, ký kết giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch…

Có những vụ việc tòa tuyên người môi giới thắng kiên và công ty phải trả tiền cho môi giới viên, nhưng việc thi hành án lại là vấn đề lớn khi có những công ty chây ì không chịu trả tiền hoặc cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn hết khả năng thanh toán. Một chuyên viên pháp lý trong ngành bất động sản chia sẻ.

Để đảm bảo quyền lợi cho người làm nghề môi giới vị chuyên viên này chia sẻ thêm, môi giới bất động sản hiện nay thường là các bạn trẻ thường chủ quan trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Khi gia nhập công ty, đội nhóm, kết hợp cần kiểm tra kỹ hợp đồng, giao kết để tránh xung đột về lợi ích ảnh hưởng đến thu nhập cũng như tạo lên những va chạm không đáng có.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một nghề cần rất nhiều kỹ năng, áp lực và không thể thiếu đó là sự may mắn thì thu nhập dĩ nhiên sẽ rất cao. Không ít người đã trở lên giàu có khi bước vào nghề này nhưng cũng có người đã phải từ bỏ sau một thời gian tiếp cận. Ước mơ làm giàu của những người bước chân vào nghề môi giới bất động sản là chính đáng

Anh Vũ Hồng Quang - một chuyên viên tư vấn mua căn hộ chung cư chia sẻ: “Khách hàng cần rất nhiều thời gian để quyết định mua một căn hộ đôi khi lên đến vài tháng, họ cũng đi xem rất nhiều các dự án, việc chăm khách phải bỏ một công sức, tiền bạc đáng kể. Thế nên, đối với những khách hàng bỏ ra nhiều công sức mà đến phút chót không ký hợp đồng thì cảm giác rất tiếc nuối. Nhưng trong nghề cũng có nhiều niềm vui khi gặp những vị khách ký hợp đồng và đặt cọc ngay trong lần xem nhà đầu tiên mà dân môi giới thường hay gọi là “khách hợp tuổi”.

Sâu bên trong cái vẻ ngoài hào nhoáng là những khó khăn, tâm tư không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu.

Có thể bạn quan tâm