Gọi vốn thời 4.0: Pháp lý cần thoáng

Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ kéo theo nhiều mô thức kinh doanh mới, nên cũng phát sinh các nhu cầu mới về huy động vốn của doanh nghiệp.
Gọi vốn thời 4.0: Pháp lý cần thoáng

Để đáp ứng điều này, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thị trường vốn cần được thúc đẩy phát triển theo hướng cởi mở và thông thoáng...

Là chuyên gia pháp lý về doanh nghiệp, ông dự báo gì về những mô thức kinh doanh mới sẽ xuất hiện dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa nhanh vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế?

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều mô thức kinh doanh mới sẽ xuất hiện kiểu như kinh doanh taxi mà không có một chiếc taxi nào như mô hình hoạt động của Uber hay Grab.

Đặc tính của các mô hình kinh doanh mới là xuất phát từ những ý tưởng mới, táo bạo và mang tính sáng tạo cao. Theo tôi, sẽ còn xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới nữa trong thời gian tới. 

Với nhiều mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện, theo ông, nhu cầu huy động vốn của của các doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào?

Một khi ai đó, hoặc một doanh nghiệp nào đó có ý tưởng kinh doanh mới, mà nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội đầu tư, thì ý tưởng đó sẽ có cơ hội thu hút các nguồn vốn trên thị trường.

Muốn thu hút được vốn trên thị trường cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh cách mạng 4.0, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có sự thay đổi trong chính nội tại.

Một khi doanh nghiệp có kế hoạch nâng cao hiệu quả kinh doanh, chứng minh được là sử dụng tối ưu các nguồn lực, thì có khả năng huy động được vốn.

Đó là những doanh nghiệp đang hoạt động. Còn với những doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) thì cần vốn đầu tư mạo hiểm hơn là huy động vốn thông thường trên thị trường chứng khoán. Với vốn đầu tư mạo hiểm, hy vọng chúng ta sẽ có một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước. Muốn thế, thị trường vốn phải được tự do hóa hơn, để nguồn vốn này có dư địa hoạt động thuận lợi.

Chẳng hạn, đầu tư 1 triệu đồng vào một doanh nghiệp start-up kéo dài 10-20 năm, giá trị của khoản đầu tư này có thể sẽ tăng lên hàng trăm triệu đồng. Khi đạt được lợi nhuận cao như vậy, nhà đầu tư nước ngoài muốn rút vốn và chuyển ra bên ngoài Việt Nam thì phải được thuận lợi, chứ không phải chịu nhiều hạn chế như hiện tại.

Do đó, để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hoạt động thời cách mạng 4.0, đòi hỏi thị trường vốn, hoạt động quản lý ngoại hối phải cởi mở hơn và tạo thuận lợi hơn cho dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Điều này đòi hỏi cách ứng xử của các hệ thống pháp lý, cơ quản lý phải có những thay đổi thì mới phù hợp với tính sáng tạo, thay đổi nhanh trong kinh doanh thời 4.0. 

Cụ thể, hệ thống pháp lý nói chung và thị trường vốn nói riêng cần cởi mở và thông thoáng ra sao, thưa ông?

Dù muốn hay không thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, với tốc độ lan tỏa nhanh và không thể đảo ngược.

Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Để nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa những cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi hệ thống thể chế, pháp lý phải nuôi dưỡng được sự sáng tạo, khuyến khích cái mới, chứ không phải định ra những cơ chế mà hễ doanh nghiệp, người kinh doanh có ý tưởng sáng tạo trong làm ra sản phẩm, dịch vụ mới là bị nản do phải lo nhiều loại hồ sơ, giấy tờ đăng ký sản xuất, kinh doanh.

Điều này sẽ triệt tiêu sự sáng tạo, bởi với những người có nhiều ý tưởng sáng tạo, họ thường không muốn thực hiện nhiều loại thủ tục, hồ sơ, giấy tờ.

Có những ý tưởng họ triển khai không phải vì mưu cầu cá nhân, mà làm bằng đam mê, cống hiến cho xã hội, nhưng quy định pháp lý lại yêu cầu họ hoàn thành thủ tục nọ, thực hiện giấy tờ kia, thì chính là đang cản trở họ.

Hiện tại, điều cản trở nhất là hệ thống thể chế chưa theo kịp thời đại. Thực tế, hệ thống này đã gây không ít khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hòi một hệ thống pháp lý, cũng như phương thức quản lý của hệ thống cơ quan nhà nước phải có tính linh hoạt cao, thúc đẩy, hỗ trợ và nuôi dưỡng sự sáng tạo để tương thích với sự sáng tạo cao và nhanh trong hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, phải để cho những cái mới xuất hiện và tồn tại, phải tận dụng nó, chứ không phải triệt tiêu nó.

Chúng ta phải khắc phục điểm yếu của hệ thống pháp lý hiện hành là hệ sinh thái khuyến khích sáng tạo còn nhiều hạn chế. Quản lý xã hội không chỉ một mình Nhà nước làm, mà cần có sự phối hợp của các lực lượng ngoài nhà nước.

Chẳng hạn các công ty công nghệ - nơi nắm giữ nhiều thông tin mà cơ quan quản lý nhà nước rất cần để phục vụ cho hoạt động quản lý, ban hành chính sách.

Điều này đòi hỏi Nhà nước phải thay đổi cách quản lý xã hội bằng việc dựa vào nhiều đối tác, luật phải thay đổi, cách thức tiếp cận công cụ quản lý của Nhà nước cũng phải thay đổi.

Trong quá trình quản lý nhà nước, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cần được nhận biết và tập hợp để có hướng tháo gỡ kịp thời, nếu kéo dài và cản trở, thì chỉ cần chậm một vài ngày, một vài tháng là mất cơ hội kinh doanh. Như thế, những doanh nghiệp bên ngoài làm nhanh hơn sẽ thắng.

Theo TNCK

Có thể bạn quan tâm