GS.TS Trần Thọ Đạt: "Tôi đặt kỳ vọng vào một nền kinh tế tăng trưởng sâu"

Ông Đạt hy vọng, kinh tế Việt nam sẽ có một sự tăng trưởng ấn tượng như trong năm 2017 cùng với đó là sự “vặn mình” của khối DN tư nhân – động lực luôn được kỳ vọng
GS.TS Trần Thọ Đạt: "Tôi đặt kỳ vọng vào một nền kinh tế tăng trưởng sâu"

Thưa ông Đạt, ông đã từng nhận định rằng, Việt Nam thiếu những động lực quan trọng và đủ mạnh để đưa nền kinh tế vượt qua được vùng trũng tăng trưởng một cách bền vững. Trong đó rào cản về thể chế được xác định là một trong số các nguyên nhân hàng đầu. Ông hãy phân tích kỹ hơn về thực trạng này của Việt Nam?

GS.TS Trần Thọ Đạt: "Tôi đặt kỳ vọng vào một nền kinh tế tăng trưởng sâu" ảnh 1

GS.TS Trần Thọ Đạt

Trước hết, có thể thấy rằng, những giai đoạn tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua là một bức tranh phản ánh khá rõ nét và chân thực các giai đoạn tiêu biểu của một mô hình tăng trưởng theo đúng sự phát triển về lý thuyết tăng trưởng kinh tế. Ngay sau đổi mới là quá trình giải phóng các nguồn lực đầu vào sản xuất và kèm theo đó là những thành tựu ấn tượng về tốc độ tăng trưởng cơ bản dựa trên sự gia tăng về số lượng các yếu tố đầu vào “vật chất” là vốn, lao động và tài nguyên.

Tuy nhiên, nền kinh tế với khung khổ thể chế hiện tại đã phát triển đến mức “tới hạn” của các ràng buộc tăng trường mà biểu hiện rõ nhất là xu hướng tăng trưởng chậm lại thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng có biểu hiện hụt hơi và đi ngang, tức là đang ở “vùng trũng”.

Để nền kinh tế sớm bứt phá và bước sang một quỹ đạo tăng trưởng mới, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, không thể tiếp tục gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào mà cần phải định hình một phương thức và mô hình tăng trưởng mới dựa trên việc sử dụng có hiệu quả hơn các yếu tố sản xuất, dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra năng suất cao hơn. Dỡ bỏ các rào cản hiện tại về thể chế và tiếp tục đổi mới thể chế sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới này đối với nền kinh tế nước ta.

Tổng kết lại tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn thấy có sự lấn át của các doanh nghiệp FDI so với các DN trong nước. Như vậy, DN FDI đang trở thành điểm sáng hỗ trợ kinh tế Việt Nam?

Các doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp lớn cho thương mại quốc tế và tăng trưởng của nền kinh tế. Xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực FDI chiếm trên 70% và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu.

Khu vực FDI cũng đã chiếm gần 20% tổng sản lượng nền kinh tế và khoảng 70% tổng sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy vậy, khu vực FDI có nhiều vấn đề tồn tại như: (1) vẫn thiếu vắng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước không hiệu quả, (2) vấn đề ô nhiễm môi trường, (3) đóng góp vào ngân sách không tương xứng cùng những hành vi chuyển giá, (4) sản xuất của khu vực FDI vẫn mang nặng tính gia công, ở vị trí cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu và Đông Á với giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam còn rất thấp và (5) luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài gia tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm quốc gia và do vậy khả năng đầu tư của nền kinh tế.

Như vậy, mặc dù FDI hiện được coi là động lực tăng trưởng chính nhưng động lực này có nguy cơ thiếu bền vững đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, một chuyên gia kinh tế Nhật Bản đã nhận xét rằng, quy mô doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quá nhỏ, chủ yếu nằm ở khu vực kinh tế hộ gia đình, dường như đang làm khó các nỗ lực cải thiện năng suất của kinh tế Việt Nam. Việc chính thức hóa khu vực kinh tế hộ gia đình của Việt Nam trong những năm qua còn khá chậm. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính khiến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chịu nhiều áp lực và khó phát triển nhanh?

Trong khi khối doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ bằng những ưu đãi về chính sách thì khối kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào khu vực kinh doanh cá thể, khối doanh nghiệp tư nhân thì có quy mô rất nhỏ bé.

Theo tôi, nguyên nhân chính không nằm ở khu vực kinh tế hộ gia đình là chính thức hay không chính thức mà nằm ở lý do khác. Đó là khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân) vẫn chưa thực sự có môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Khu vực này vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận các yếu tố sản xuất như vốn, lao động, đất đai, công nghệ, cơ sở hạ tầng và logistics, cũng như gặp khó khăn khi khởi sự kinh doanh hay làm các nghĩa vụ thủ tục và hải quan.

Ngoài việc bị khu vực kinh tế nhà nước và FDI chèn ép, các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn tự khiến môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, thiếu lành mạnh do sự vi phạm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh còn khá phổ biến và lo ngại trở thành doanh nghiệp lớn sẽ phải là doanh nghiệp “sạch”, chấp nhận việc “thăm hỏi” của các cơ quan chức năng và là đối tượng thanh, kiểm tra thường xuyên hơn,...

Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực cải thiện môi trường kinh doanh như giảm chi phí, thủ tục hành chính, thúc đẩy giao thương cũng như tạo thuận lợi tối đa nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn có nhiều nhận định cho rằng, thể chế vẫn là rào cản. Theo khuyến nghị của ông, Chính phủ cần làm gì trong năm 2018 để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là từ sự hỗ trợ của thể chế kinh tế?

Với những nỗ lực mang tính quyết liệt và bền bỉ của Chính phủ trong thời gian qua để cải thiện môi trường kinh doanh như giảm chi phí, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Cải thiện môi trường kinh doanh và các chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân (đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân) phải được coi là trọng tâm chính sách trong giai đoạn tới để xây dựng động lực tăng trưởng cho nền kinh tế một cách bền vững.

Chính phủ có những dư địa để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Muốn vậy, cần làm cho các thị trường yếu tố tiến tới cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các yếu tố với chi phí chính thức thấp hơn; làm cho việc tiếp cận các yếu tố (đất đai, nguồn vốn, thị trường lao động) đơn giản hơn để các chi phí chính thức phi tài chính và các chi phí phi chính thức giảm xuống.

Cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là tôn trọng quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch là điều kiện rất quan trọng để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn và giảm được chi phí giao dịch trong nền kinh tế. Đó sẽ là động lực quan trọng và bền vững đóng góp vào thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông mong đợi và kỳ vọng gì vào khối doanh nghiệp nội địa cũng như nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018?

Để tránh nguy cơ tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách với các nước, chúng ta cần có một tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa nhanh hơn, vừa bền vững hơn. Tôi hy vọng kinh tế Việt nam năm 2018 với những nỗ lực và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ về thể chế sẽ tạo lập và nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng, đặt nền tảng cho một quỹ đạo tăng trưởng mới - quỹ đạo của một nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu với các nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, năng suất và sức cạnh tranh cao hơn và bền vững hơn.

Muốn thực hiện được mục tiêu này, có nhiều thách thức đặt ra phải giải quyết. Một trong số đó là cần định vị lại vai trò và mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Chính phủ cần làm tốt hơn vai trò kiến tạo sự phát triển, tôn trọng các quy luật thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập niềm tin ổn định và lâu dài của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, tác nhân chính thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ chính là ở khối doanh nghiệp.

Với bản chất năng động, linh hoạt và nhiều sáng tạo, tôi hy vọng và đặt niềm tin vào các doanh nghiệp nội địa sẽ chủ động trong việc phát triển thị trường trong nước và quốc tế, liên kết hiệu quả hơn với các doanh nghiệp FDI, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong kỷ nguyên kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó nâng cao năng suất lao động trong nội bộ từng doanh nghiệp, tạo động lực nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành và toàn bộ nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm