Hà Nội: 80,5% cửa hàng kinh doanh trái cây đã có tem truy xuất nguồn gốc

Đó là kết quả khảo sát của các sở, ngành thành phố Hà Nội về thí điểm xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây.
Hà Nội: 80,5% cửa hàng kinh doanh trái cây đã có tem truy xuất nguồn gốc

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà nội đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) xây dựng, áp dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” xây dựng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau thời gian thí điểm hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây hầu hết các cửa hàng kinh doanh trái cây đã có tem truy xuất nguồn gốc trái cây (đạt tỷ lệ 80,5%).

Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) hoàn thiện cây quản trị của Sở Công Thương trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của Hà Nội; đồng thời, giới thiệu các cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn tham gia hệ thống. Sở cũng đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về quy trình xác thực chống hàng giả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã hình Qrcode và quản tri hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy suất nguồn gốc nông sản, thực phẩm cho đại diện UBND các quận, huyện, thị xã và khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, công tác giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm sản phẩm trái cây trên địa bàn thành phố được tăng cường. Nhằm cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố ATTP trước khi phân phối đến người tiêu dùng, phân tích các mối nguy gây mất ATTP đối với các nguy cơ về vi sinh vật, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản tồn dư sản phẩm trái cây trong nước, nhập khẩu, Sở NN&PTNT đã lấy 60 mẫu trái cây để phân tích, giám sát các chỉ tiêu kim loại nặng (Asen, Caduni, chì); đo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Thuốc trừ nấm, hoạt chất gốc Clo); các hóa chất dẫn dụ (Ethylen, Ethephon...); các chỉ tiêu vi sinh vật (E.coli, Salmonella). Kết quả 59/60 mẫu có kết quả đều đáp ứng điều kiện ATTP đối với các chỉ tiêu phân tích, chỉ có 1 mẫu quả xoài nhiễm Imidacloprid.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về ATTP tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành.

Tương tự, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường 12 quận tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra, kiểm soát xử lý 10 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11,8 triệu đồng…

>> Chuyển biến tích cực từ việc quản lý kinh doanh trái cây

Có thể bạn quan tâm