Hà Nội huy động vốn đạt gần 3,3 nghìn tỷ đồng

Tính đến hết tháng 6, nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 3.288 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 6,1% so với thời điểm kết thúc năm 2018.
Hà Nội huy động vốn đạt gần 3,3 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 6, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 1.980 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 5,8% so với thời điểm cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 1.761 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,9% tổng dư nợ tín dụng; đầu tư đạt 219 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,1%.

Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 738 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và 6,2% so với tháng 12/2018; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.023 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 6,8%. Dư nợ cho vay bằng VND đạt 1.553 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,9% so với đầu năm; dư nợ bằng ngoại tệ đạt 208 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 4,2%.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng đến hết tháng 6 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,3% tổng dư nợ cho vay; cho vay xuất khẩu chiếm 9,5%; cho vay tiêu dùng chiếm 8,8%; cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,5%; cho vay bất động sản chiếm 7,6%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu. Đến 30/6/2019, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến chiếm 2,02% tổng dư nợ và chiếm 2,27% trong tổng dư nợ cho vay. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo, các tổ chức tín dụng luôn chú trọng trong việc quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, tích cực cơ cấu lại tài sản có, tài sản nợ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tương đối nghiêm túc quy định về lãi suất. Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại trên địa bàn kỳ hạn dưới 6 tháng tương đối ổn định, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có xu hướng tăng vào các tháng giữa năm, theo đó khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn.

Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức từ 4,5-5,5%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 5,5-6,5%/năm (từ tháng 5/2019 có xu hướng tăng lên ở mức 5,5%-7,5%); đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 6,6-7,3%/năm và có xu hướng tăng lên 6,8%-8,3% vào các tháng giữa năm. Lãi suất huy động USD của các tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11,0%/năm đối với trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay được áp dụng ở mức thấp hơn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm.

Có thể bạn quan tâm