Hà Nội kiểm tra dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 357/QĐ-UBND về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra quá trình thực hiện và thực trạng quản lý nhà dự án xây dựng nhà ờ cho học sinh, sinh viên Pháp
Hà Nội kiểm tra dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp

Theo quyết định, Trưởng đoàn kiểm tra là Phó Chánh Thanh tra thành phố; Phó đoàn kiểm tra là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thành viên Đoàn kiểm tra gồm Phó Giám đốc các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.

Đoàn kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp; kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc quản lý sử dụng nhà; đánh giá hiệu quả của dự án. Căn cứ kết quả kiểm tra, trên cơ sơ hồ sơ dự án và báo cáo của Sở Xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố, kiến nghị biện pháp giải quyết phù hợp.

Trưởng Đoàn kiểm tra có trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn kiểm tra; các thành viên Đoàn kiểm tra chấp hành sự phân công của của Trưởng Đoàn kiểm tra, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/1.

Dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2, gồm 6 toà nhà cao 19 tầng, có 1.400 phòng, đáp ứng chỗ ở cho gần 22 nghìn sinh viên.

Tuy nhiên, do triển khai trong giai đoạn có biến động lớn về giá các vật liệu xây dựng nên làm đội vốn đầu tư nhiều lên, từ gần 1.500 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng.

Khởi công từ năm 2009, đến tháng 1/2015, 3 tòa nhà A1, A5 và A6 được đưa vào sử dụng. Nhưng đến nay, số lượng sinh viên đến đăng ký ở vẫn thưa vắng, khu nhà vẫn đìu hiu. Trong số 3 tòa nhà đưa vào sử dụng thì chỉ có một tòa nhà có sinh viên đến ở, hai tòa còn lại gần như bỏ không. 3 tòa nhà còn lại mới hoàn tất phần thô và đang nằm phơi mưa nắng.

Bất cập trong công tác dự báo nhu cầu nhà ở, quy hoạch thiếu kết nối giao thông công cộng giữa khu nhà ở với các điểm trường cao đẳng, đại học đã dẫn tới nhiều tòa nhà tại dự án này rơi vào tình trạng bỏ hoang.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị TP Hà Nội cho phép chuyển đổi tòa nhà nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang loại hình nhà xã hội để bán cho người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nếu áp dụng phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và đầu tư cho các hạng mục còn lại.

Theo Sở Xây dựng thì khi chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang căn hộ để bán sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng.

Ngọc Quang

>> Mong manh pháp lý Condotel

Có thể bạn quan tâm