Hà Nội rà soát toàn bộ các dự án sử dụng đất chậm triển khai

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án sử dụng đất, hướng dẫn các chủ đầu tư và huyện thực hiện các biện pháp khắc phục một số dự án chậm triển khai so với kế hoạch, g
Hà Nội rà soát toàn bộ các dự án sử dụng đất chậm triển khai

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Mê Linh có tổng số 62 dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư chưa thực hiện điều chỉnh xong quy hoạch theo các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chính xác vị trí khu đất thương phẩm phải thu hồi, dẫn đến chưa có cơ sở lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi và giao đất, lập phương án sử dụng đất thương phẩm.

Ngoài ra, các tuyến đường quy hoạch đến nay chưa triển khai thực hiện nên một số dự án không có đường giao thông kết nối với hạ tầng nên khó khăn cho các chủ đầu tư trong triển khai dự án.

Tại huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, hiện trên địa bàn huyện Ba Vì phần lớn các tổ chức đang sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành tốt việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Tuy nhiên, một số tổ chức không thực hiện đúng mục đích như được giao, có sự biến động nhưng không cập nhật thay đổi biến động, có một số dự án chậm tiến độ đưa vào thực hiện.

Trong đó, có 5 dự án chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch dự án dẫn đến chậm triển khai, đó là các dự án: Xây dựng Nhà máy sản xuất Carton tại xã Cam Thượng do Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn tại xã Cam Thượng do Công ty CP Bê tông Vạn Trường Thành làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô và máy nông nghiệp tại xã Cam Thượng do Công ty CP Cơ điện Hà Giang làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên tại xã Cẩm Lĩnh do Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Tản Viên làm chủ đầu tư và Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng tại xã Phú Sơn, xã Thái Hòa do Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh làm chủ đầu tư.

Còn tại huyện Hoài Đức, theo báo cáo của UBND huyện thì trên địa bàn huyện nay vẫn còn các đơn vị sử dụng đất kém hiệu quả, cho thuê lại đất sai quy định, không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Một số chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc thiếu năng lực tài chính, có sự án thay đổi nhiều lần chủ đầu tư, chưa xác định rõ cơ chế tài chính để thực hiện dự án; dự án phải thay đổi quy mô, điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, chậm đưa đất vào sử dụng…

Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 52 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó 19 dự án đã có quyết định thu hồi đất, còn 33 dự án chưa có quyết định thu hồi đất.

Để xử lý tình trạng này, HĐND TP. Hà Nội yêu cầu các huyện Mê Linh, Ba Vì và Hoài Đức cần làm rõ những khó khăn vướng mắc của từng dự án, phân loại rõ dự án chậm thời gian, vi phạm Luật Đất đai, dự án đã có quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định thu hồi, đề xuất giải pháp khắc phục…; đặc biệt cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý sử dụng đất, tăng cường thanh tra kiểm tra để phát hiện và xử lý sai phạm.

Đồng thời, các huyện cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng để công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đạt hiệu quả cao, những vi phạm được phát hiện sớm và xử lý nghiêm.

Phía Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra tại các huyện nói trên, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Thành phố; Sở KH&ĐT trên cơ sở các lĩnh vực tham mưu cho TP, những dự án liên quan đến chủ trương đầu tư mà thực hiện chậm thì kiến nghị thu hồi với những chủ đầu tư năng lực quá yếu, để phục vụ làm các công trình hạ tầng, công cộng, thực hiện đấu giá đảm bảo phù hợp quy hoạch.

Cùng với đó, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục Thuế căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

HĐND TP nhấn mạnh, đất đai và vấn đề khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là vấn đề khó; được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều, nhất là tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai…, vì thế, các huyện cần rà soát lại toàn bộ các dự án chậm triển khai trên địa bàn một cách chặt chẽ, phải làm thế nào để hạn chế tối thiểu tình trạng vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm