Hà Nội... Thương gia và tôi...

Tôi không phải người gốc Hà Nội. Quê hương và những năm tháng thơ trẻ của tôi lại thuộc về một miền đất khác...
Hà Nội... Thương gia và tôi...

Một lần có dịp về Hà Nội, ngồi trên ghế đá công viên Hàng Đậu, nhìn hàng cây sưa cao cao, hoa trắng bạc ánh lên trong nắng xuân chiều muộn trái tim tôi chợt thắt lại. Tôi biết mình đã gửi lại một góc trái tim mình cho hàng cây ấy, cho con đường và thành phố này.

Rồi cuộc sống đưa đẩy. Tôi lên sinh sống và công tác ở Hà Nội. Con gái thứ hai của tôi ra đời tại bệnh viện C. Nó luôn tự hào là “người duy nhất trong nhà giấy khai sinh ghi nơi sinh Hà Nội”.

Tôi thì được đẫm mình vào từng khắc từng giây với những mùa thu Hà Nội - mùa đẹp nhất trong năm “Không thể nói trời không xanh hơn và mắt em xanh khác ngày thường”. Mùa hoa sữa nồng nàn dọc mấy con phố cũ, hàng sấu bên đường Trần Phú xanh mờ dưới vòm trời sẩm tối và bằng lăng tím rụng suốt dọc đường Kim Mã, mỗi khi cuối hè sang thu...

Hà Nội với tôi và với những người không sinh ra ở đây ban đầu là ấn tượng như thế và từng ngày từng ngày, Hà Nội trở nên gần gũi thân thương hơn.

Bà là mẹ của bạn cô tôi. Sáng sớm ba, bốn giờ đã thấy bên nhà bà lịch kịch. Hơn sáu giờ nồi cháo sườn ủ trong bao tải của bà đã trực ngay đầu ngõ. Người già trẻ con đều thích điểm tâm món cháo nóng hổi, ngọt sánh ăn với quẩy giòn tan hoặc chút ruốc thịt bông tơi. Ai cũng bảo ăn cháo của bà vừa ngon vừa rẻ, lại “an toàn thực phẩm”. Ruốc thịt cũng tự tay bà làm lấy, cẩn thận như chính bà làm để ăn. Nhiều người tín nhiệm đặt hàng - chiều chiều từ bếp nhà bà mùi ruốc thịt rang thơm lừng cả ngõ. Tôi nghe nói bà bán cháo mấy chục năm rồi.

Có người bảo bà già rồi, ăn hết mấy mà làm quần quật cả ngày? Người thì chậc lưỡi chắc bà dành tiền cho con cháu còn khó khăn. Ai nói bà cũng chỉ cười không đính chính. Có lần bà kể, “tôi nuôi các con nên người từ gánh cháo đấy cô ạ. Ơn nó và ơn những người đến ăn cho mình. Bây giờ nghỉ cũng được. Nhưng mà buồn lắm. Làm nó quen thân rồi.

Những dịp lễ tết thấy bà áo dài lụa mỡ gà, tóc bạc búi cao ra người sang cả. Ngày thường áo phin nõn nâu thoăn thoắt múc cháo cắt quẩy. Chợt hiểu vẻ đẹp của một người Hà Nội thật là bình dị.

Tôi quen bà bán hoa rong khắp phố phường Hà Nội có miệng cười rõ tươi. Một bà già xưa cũ - áo cánh gụ nâu, nón trắng, bé nhỏ dẻo dai với gánh hoa thong thả đi trên hè phố. Những bó hoa tươi mởn vừa được cắt ở vườn nhà... Rồi tôi thành khách quen của bà gần hai mươi năm. Có lần con Chiahuahua nhỏ nhà tôi bị lạc mất, bà xăng xái nhận xấp ảnh của nó đi phát cả dãy phố. Tôi còn quen cả con gái bà - cũng bán hoa ở chợ Linh Lang - xinh xắn và mau mắn như mẹ. Cô kể với tôi rằng đất của ông bà gần Hồ Tây rộng lắm. Thời người người bán đất xây nhà tầng, con cái cũng xao xuyến muốn theo người ta nhưng bà một mực giữ. "Nghề trồng hoa mà bán đất thì còn gì nghề? Cứ chịu khó trồng hoa cũng đủ sống. Có lao động khắc có ăn..." Bà bảo thế và chính mình là tấm gương về tính hay lam hay làm.

Chất phác, nhẫn nại, với gánh hàng hoa ngày ngày bà tần tảo nuôi cả đàn con khôn lớn. "Sau này chúng em mới thấy cái khôn của mẹ. Bà giữ được nguyên vẹn đất của cha ông, Em cũng được thừa hưởng lộc của ông bà, lại được truyền nghề từ bà nên đủ nuôi con ăn học..." Cô ấy với cái xe đạp, sớm sớm chở cả xe hoa xuống phố, tạo nên nét riêng rất đáng yêu của Hà Nội.

Tôi hôm nào vội đi ngang qua, chỉ nhìn thấy dáng áo nâu mảnh khảnh nhanh nhẹn của bà mà không kịp chào hay ngồi thụp xuống chọn cho mình bó hồng thơm, đám hoa bướm rực rỡ hay bó layơn đầu mùa... là cứ cảm thấy thiêu thiếu điều gì đó. Bà dường như đã trở thành hình ảnh rất đỗi thân quen của góc thành phố nơi tôi ở. Con gái tôi đi du học ở nước ngoài về chơi, có lần ồ lên ngạc nhiên:

- Kìa bà hàng hoa quen. Nhiều tuổi quá rồi mà bà ấy vẫn cứ đi bán dạo như thế ư??

Tôi bảo con mà như nói với chính mình:

- Lao động không chỉ là kiếm sống mà còn là cái cớ về sự tồn tại của chính mình. Vả lại con gái bà ấy đã nói với tôi “Ngày nào mệt không đi bán hàng được bà bứt rứt lắm. Bà bảo cứ làm càng thấy khỏe ra mới lạ”...

Chợt hiểu vẻ đẹp của một người Hà Nội thật là bình dị.

 Làm ở một cơ quan quản lý nhà nước, thuộc diện cán bộ trẻ có năng lực, bỗng một ngày đẹp trời, anh bạn tôi xin nghỉ việc chuyển ra làm cho một công ty nước ngoài. Bạn bè bàn ra tán vào, người nói khôn kẻ bảo dại, có người hồ nghi rằng không được lên chức thì bất mãn chăng? Vài năm sau lại một lần nữa anh lại làm bạn bè ngỡ ngàng khi dứt áo ra khỏi cái công ty đã từng trả lương anh tới mấy ngàn đô để về mở công ty của riêng mình. Vất vả, tất bật nhưng lại thấy anh hào hứng. Anh bảo - có chút vốn và có kinh nghiệm thì việc gì phải đi làm thuê mãi. Tốt hơn cả là làm một cái gì đó cho riêng mình.

Con trai anh tốt nghiệp đại học ở Mỹ về, cứ tưởng với quan hệ của anh, với tấm bằng của nó chắc một chân trong bộ hoặc một công ty nước ngoài là điều hiển nhiên. Vậy mà nó về với anh điều khiển cái công ty còn non trẻ kia. Hỏi anh như thế có ích kỷ không khi bắt nó cùng vất vả cực nhọc với anh từ việc tổ chức đại lý, xây dựng thương hiệu, quản lý công nhân... trong khi có thể con đường phát triển của nó rộng mở ở phía khác? Anh cười “từ kinh nghiệm của mình nên hướng con thế và nó cũng đồng lòng. Đây là công ty của cha con mình và hi vọng nó sẽ sống dài lâu và lớn mạnh. Biết đâu sau trăm năm nữa công ty của mình có tiếng tăm ngang ngửa với những công ty mà mình đi làm thuê! Để nhắm đến điều ấy thì phải bắt đầu bằng một công ty nhỏ với những người được đào tạo bài bản và tâm huyết như chúng nó. Ông tướng cũng bắt đầu từ một anh binh nhì đấy sao...”.

Tôi thật sự mừng cho anh khi thấy công ty của cha con anh ăn nên làm ra, tạo công ăn việc làm cho hàng chục rồi hàng trăm người. Tôi có lần viết báo rằng thực sự kính phục những người làm giàu bằng chính khối óc của mình mà không phải từ thừa hưởng gia tài hay hay làm ăn phi pháp, không nhận hối lộ hay tham nhũng... Anh nheo mắt cười: “Tự kiểm điểm bản thân và công bằng mà nói thì tôi có thể tính mình vào cái nhóm được cô kính trọng đấy”... Nói thế nhưng anh là người sống giản dị, giàu có rồi vẫn chẳng hề phô phang, vẫn sẵn lòng chia sẻ với họ hàng, bạn bè, hàng xóm những lúc khó khăn, vận hạn. Điều ấy quả thực đáng kính trọng.

Sáng sớm ra khỏi nhà, tôi hòa vào dòng người hối hả đến cơ quan và đôi khi thấy ngỡ ngàng mình đã thuộc về thành phố này từ lúc nào không rõ. Mỗi con đường mới mở, mỗi hàng cây mới trồng, mỗi công trình mới mọc lên đều khiến lòng náo nức. Trong trang viết đôi khi tôi vẫn nhận mình là dân ngụ cư. Chúng tôi đến và ở lại nơi này, được thành phố giang tay đón nhận và cho chúng tôi cơ hội. Tận trong sâu thẳm tôi biết đã trở thành một phần máu thịt với nơi đây và tự hào với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Có thể bạn quan tâm