Hà Nội: Xử lý hơn 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 4

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội vừa công bố kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 4/2019.
Hà Nội: Xử lý hơn 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 4

Theo đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã xử lý hơn 1.300  vụ, khởi tố 5 vụ đối với 5 đối tượng. Trong đó, số vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu là 205 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 145 vụ và gian lận thương mại là 962 vụ với tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu lên tới hơn 49,2 tỷ đồng.

Về phía Công an Hà Nội, trong tháng 4, lực lượng này đã xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm An toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm. Kết quả đã xử lý 63 vụ, phạt hành chính gần 250 triệu đồng và truy thu thuế 842 triệu đồng.

Trong khi đó, lực lượng QLTT cũng tập trung mạnh vào việc xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động, thực vật hoang dã; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Kết quả đã phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng.

Đồng thời, chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tích cực chủ động kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm phát hiện, ngăn chặn lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội) cho biết, trong tháng 4, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là các hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm...

Cùng với đó, việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng... vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau. Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong tháng 5 và những tháng tiếp theo, lực lượng chức năng Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; xác lập các chuyên án, kế hoạch tập trung vào những đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu. Chú ý quản lý, giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc... có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Ngoài ra, cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.

Có thể bạn quan tâm