Hai Phó Thủ tướng “vào cuộc”, quy định mơ hồ có xóa bỏ?

Cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, thực phẩm đang kỳ vọng ccó thể giải quyết những vướng mắc và khó khăn của các quy định về an toàn thực p
Hai Phó Thủ tướng “vào cuộc”, quy định mơ hồ có xóa bỏ?

Suốt 5 năm (2012-2017) liên tục kiến nghị và chờ đợi sửa đổi quy định thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm gây bức xúc trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực phẩm vẫn chưa được giải quyết. Quy định này cứ tồn tại nhiều năm qua dù ai cũng thấy rõ chưa phù hợp với Luật An toàn thực phẩm và Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng.

Ngay từ khi ra đời, thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã khiến cộng đồng doanh nghiệp và hàng loạt các hiệp hội trong và ngoài nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội chè Việt Nam (VINATEA), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) đồng loạt phản ứng, có ý kiến phản ánh đây là giấy phép con gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp mà không giúp ích gì cho an toàn thực phẩm và đã có thư kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu sửa đổi.

Hai Phó Thủ tướng cùng chỉ đạo sửa đổi

Sáng 11/7/2017, trong cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe; ban hành các Thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP theo kế hoạch đã đề ra; Đồng thời, các bộ, ngành tham mưu xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu “sửa quy định công bố hợp quy, hợp chuẩn, yêu cầu phải giảm thời gian giải quyết, quán triệt tinh thần “hậu kiểm” không gây phiền hà cho DN, quy định rõ các bước thực hiện để DN có thể làm được ngay”.

Chiều cùng ngày 11/7/2017, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899) cũng đã chỉ ra vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ, hoặc một mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra của cùng một bộ…

Để khắc phục các rào cản của kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu: “các bộ liên quan mà chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu,...”.

Chỉ đạo trước đây của Chính phủ chưa được thực hiện

Trước đó, ngày 3/2/2017, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, khoản 1d điều III đã chỉ đạo:“rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục, không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia” (tức theo tinh thần Nghị quyết, Thủ tục xác nhận công bố phù hợp ATTP cho sản phẩm chưa có quy chuẩn quốc gia trong Nghị định 38 phải bãi bỏ”.

Hai tháng sau, ngày 13/5/2017, tại đối thoại giữa các Bộ ngành với VASEP do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã khẳng định, kiến nghị của VASEP về bãi bỏ và thay thế công bố phù hợp ATTP là hợp lý và Bộ Y tế sẽ sửa đổi các văn bản liên quan trong 2 tháng.

Tuy nhiên đến nay, sau thời điểm 2 tháng, doanh nghiệp chưa thấy bất cứ động thái tích cực nào từ Bộ Y tế. Nay có thêm sự chỉ đạo tiếp theo của cả 2 Phó Thủ tướng, liệu nội dung kiến nghị này có được tiếp thu sửa đổi một cách tích cực theo kiến nghị hay không?

Nhiều Bộ ngành đồng loạt kiến nghị

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp phản đối mà các Bộ ngành liên quan cũng nhiều lần lên tiếng kiến nghị bỏ thủ tục công bố phù hợp với quy định ATTP.

Đơn cử, Công văn 10264 ngày 6/12/2016 của Bộ NN&PTNT góp ý sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP nêu rõ: “Đề nghị bỏ quy định việc công bố phù hợp với quy định về ATTP vì: Không phù hợp với Luật ATTP; Trách nhiệm cơ quan thẩm quyền nhà nước phải xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để tổ chức, cá nhân thực hiện công bố theo quy định của Luật; và quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Công văn số 866/BKHCN-TĐC ngày 24/3/2017 Bộ Khoa học Công nghệ khẳng định: “Giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy Xác nhận công bố phù hợp ATTP là Chưa cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Chính Phủ”.

Với một thủ tục là quy định không nằm trong luật, không vì mục tiêu ATTP tạo gánh nặng cho doanh nghiệp như một giấy phép con gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm… cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi với chỉ đạo mới nhất của cả 2 Phó Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ sớm bãi bỏ và thay thế Thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38.

Công bố phù hợp quy định ATTP” là quy định tại Nghị định 38, không có trong Luật ATTP nhưng lại đang được áp dụng phổ biến hơn so với quy định “công bố hợp quy” - một quy định chính thức của Luật ATTP. Thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP cũng bị doanh nghiệp phản ánh là phức tạp, rườm rà, tốn thời gian, tiền bạc của các doanh nghiệp. 

Theo Ngaynay.vn

Có thể bạn quan tâm