Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi dự kiến tăng lên 125 triệu đồng

Chính phủ vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi với định hướng nâng lên 50 triệu đồng so với mức áp dụng hiện nay.
Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi dự kiến tăng lên 125 triệu đồng

Theo Dự thảo số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng.

Tại Khoản 1 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ.

Những năm đầu chính sách bảo hiểm tiền gửi được triển khai tại Việt Nam, hạn mức bảo hiểm tiền gửi (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/9/1999. Đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.

Năm 2017, hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa một cá nhân được hưởng là 75 triệu đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng từ ngày 5/8/2017. Như vậy, sau ba năm, dự kiến hạn mức bảo hiểm tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 50 triệu đồng so với hiện hành.

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi việt Nam đang bảo hiểm cho khoảng 5,4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền. Trong năm 2019, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tính đến cuối năm 2019, có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Trong năm 2019, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện cấp mới 1 chứng nhận, cấp lại 3 chứng nhận và cấp 576 bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu hồi 1 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của các tổ chức tham gia.

Tính đến thời điểm 31/12/2019, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được đầu tư là 56.736,5 tỷ đồng, tăng 20,77% so với năm 2018. Doanh thu hoạt động đầu tư vốn đối với các khoản đầu tư đạt 101,55% kế hoạch NHNN giao.

Có thể bạn quan tâm