Hàng loạt "ông lớn" công bố thua lỗ quý IV/2016

HVG chuyển lãi thành lỗ sau báo cáo kiểm toán năm 2016, hay việc BHN, STK, STB, VOS... báo lỗ quý IV/2016 đã khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra hoang mang.
Hàng loạt "ông lớn" công bố thua lỗ quý IV/2016

Hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng lớn bất ngờ báo lỗ trong quý 4/2016 hoặc cả năm 

Đến hẹn lại lên, mùa kết quả kinh doanh nữa lại đến và trong quý IV/2016, nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đã đem đến một số bất ngờ cho nhà đầu tư. Cái bất ngờ ở đây là việc các doanh nghiệp này đua nhau công bố lỗ quý IV/2016 hay trong cả năm 2016.

Bất ngờ nhất phải kể đến CTCP Hùng Vương (mã HVG-HOSE). Mặc dù niên độ tài chính của HVG đã kết thúc từ 30/9, nhưng điểm đáng đề cập đến ở đây là tới đầu tháng 1/2017, CTCP Hùng Vương (mã HVG-HOSE) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, đồng thời, cũng không có công văn đề nghị gia hạn thời gian nộp.

Mới đây, báo cáo tài chính năm 2016 của HVG do E&Y kiểm toán được hoàn tất với đầy đủ chữ ký của kiểm toán viên, Kế toán trưởng và Tổng Giám đốc.

Bất ngờ hơn nữa là việc theo BCTC này, HVG lỗ năm 2016 hơn 49 tỷ đồng dù trước đó doanh nghiệp này báo lãi lên tới 309 tỷ đồng. Con số lỗ 49 tỷ đồng không quá lớn đối với một doanh nghiệp vốn điều lệ 2.270 tỷ đồng như Hùng Vương. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến lợi nhuận của HVG "xoay ngược" 180 độ và "bốc hơi" 340 tỷ đồng lợi nhuận lại đến từ việc HVG hạch toán giảm doanh thu, tăng giá vốn và một số khoản chi phí. Cụ thể, doanh thu bán hàng cả năm của HVG theo báo cáo tự lập là 19.921 tỷ đồng đã giảm còn 18.026 tỷ đồng sau soát xét. Trong đó, riêng doanh thu xuất khẩu giảm 200 tỷ đồng. Các mảng hoạt động kinh doanh cũng được phân chia khác với báo cáo HVG tự lập và khác với cách phân mảng hoạt động của năm cũ.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, tổng tài sản của Hùng Vương đến cuối NĐTC 2016 xấp xỉ 16.603 tỷ đồng, cao hơn so với báo cáo trước mà doanh nghiệp này tự lập. Nguyên nhân là do HVG ghi nhận thêm 380 tỷ đồng tồn kho.

Một doanh nghiệp khác cũng gây bất ngờ không kém đối với nhà đầu tư là 'ông lớn' ngành bia là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã BHN: HOSE).

Cổ phiếu BHN mới chỉ giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 19/1/2017 với giá tham chiếu 127.600 đồng/CP. Trước đó, BHN đã giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 28/10/2016 với giá tham chiếu chỉ 39.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá của BHN đã tăng phi mã và có thời điểm lên tới trên 200.000 đồng/CP, điều này có thể cho thấy được sức hút của cổ phiếu này trong mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý IV/2016 mới công bố của BHN vẫn không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Mặc dù doanh thu thuần tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế 36,5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 45 tỷ đồng trong quý IV năm trước. Dù vậy, sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, BHN đã lỗ gần 16 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2016, Habeco đạt 740 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh 21% so với năm 2015. Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây của BHN. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với doanh nghiệp cùng ngành là Sabeco, năm 2016 Sabeco lãi hơn 4.650 tỷ, mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Tương tự CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK - HOSE) - một doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc cũng có kết quả kinh doanh quý IV/2016 khá tệ hại. Mặc dù đạt 392 tỷ đồng doanh thu thuần tăng mạnh so với con số 110 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá vốn hàng bán của STK cũng tăng cao gấp hơn 4 lần nên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 31 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2016 của STK ghi âm hơn 9 tỷ đồng và các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí hoạt động kinh doanh đều tăng mạnh so với cùng kỳ, điều này đã khiến STK lỗ ròng gần 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 9,7 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2016, STK đạt 1.362,8 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 31,6% so với cùng kỳ, LNST đạt 25,2 tỷ đồng giảm 64,7% so với năm 2015 - Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất mà công ty đạt được trong 6 năm qua.

Tiếp đến, CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - mã VOS: HOSE), một trong những 'ông lớn' của ngành vận tải biển cũng tiếp tục chìm trong thua lỗ. Trong quý IV/2016, doanh thu của VOS chỉ đạt 312 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2015, cùng với đó doanh thu tài chính âm hơn 11 tỷ, khiến mức lỗ tăng gần 6 lần, lên hơn 122 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, mặc dù doanh thu tài chính tăng tương đối 14% (đạt 12 tỷ đồng), đồng thời các khoản chi phí được cắt giảm đáng kể như chi phí bán hàng giảm 35% chỉ còn 31 tỷ, chi phí quản lý giảm 15% chỉ còn 60 tỷ, chi phí tài chính giảm 32% chỉ còn 178 tỷ đồng. Song, năm 2016 VOS vẫn tiếp tục thua lỗ hơn 359 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản công ty đạt 4,239 tỷ đồng. Nợ phải trả 3.610 tỷ đồng (nợ dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng trọng yếu hơn 80% ở mức 2.899 tỷ đồng), trong khi đó con số giá trị vốn chủ sỡ hữu Công ty chỉ vỏn vẹn 1.400 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới 800 tỷ đồng.

Trong số các 'ông lớn' báo lỗ quý IV/2016 cũng có thể kể đến cả Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank – mã STB: HOSE). Kết thúc quý IV, tổng lợi nhuận trước thuế của STB âm 18,5 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này đã cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ năm trước khi lỗ hơn 670 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank đạt 531 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 64% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế còn 372 tỷ đồng.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang mở ra các cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư nhưng bên cạnh đó kết quả kinh doanh tệ hại của các doanh nghiệp lớn cũng khiến nhiều nhà đầu tư "méo mặt". Giá cổ phiếu HVG, BVN liên tục giảm mạnh sau kì nghỉ Tết.

Trong khi đó,năm 2016 thêm là một năm buồn đối với CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC - HOSE) khi phải ghi nhận khoản lỗ ròng 727 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 2.482 tỷ đồng. Tính riêng trong quý IV/2016, OGC lỗgần 259 tỷ đồng.Hiện OGC đang có khoản lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm 2016 ở mức 2.482 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ 1.780 tỷ đồng hồi đầu năm.

Theo Bình An/NDH

>> Sacombank báo lỗ quý IV/2016 hơn 18 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm