Hậu khởi nghiệp: Để thành công bước tiếp thành công

Trong bức tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khởi nghiệp đang trở thành điểm nhấn không thể không nhắc đến. Những dự án khởi nghiệp thành công và câu chuyện đi tiếp thế nào sau thành công ấy c
Hậu khởi nghiệp: Để thành công bước tiếp thành công

Trước sự thất bại của chuỗi “nhà hàng – quán café” mang phong cách mới lạ The Kafe, pha trộn giữa ẩm thực Á – Âu, cộng đồng doanh nghiệp trẻ và những Founder – nhà sáng lập doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam đều cho rằng, đó là hệ quả của nhiều yếu tố từ ý tưởng hình thành, chiến lược phát triển hay tầm nhìn của CEO… Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, The Kafe đã trở thành một thương hiệu, một điển hình trong giới startup.

Từ ý tưởng “không độc, không lạ” nhưng vẫn “sáng”…

Bài viết “4 sai lầm dẫn đến thất bại của The Kafe dưới góc nhìn thương hiệu” của bà Phùng Thị Phương – Giám đốc chiến lược thương hiệu miền Bắc – Công ty Richard Moore Associates chỉ rõ, The Kafe thất bại là do: thiếu concept khác biệt, định nghĩa ngành nghề không rõ ràng, sản phẩm không khác biệt và thiếu sự phù hợp cùng lối mòn trong bài trí không gian thương hiệu.

Và có thể nói tóm gọn sự thất bại ấy trong một tứ rằng, “ăn không phải, uống cũng không, ăn sáng không ra mà ăn trưa cũng chả hợp” nên sự thất bại của The Kafe chỉ mang yếu tố thời gian?

Nhưng thiết nghĩ, những gì mà Đào Chi Anh– người sáng lập ra The Kafe đã làm được thì vẫn thấy, ý tưởng không mới lạ, không độc đáo nhưng vẫn rất thành công, vẫn tỏa sáng rực rỡ trong giới start up, vẫn kêu gọi được sự đầu tư lên đến 5,5 triệu USD để rồi được cộng đồng gắn cho cô tên gọi “cô gái triệu đô”, “start up triệu đô”. Đó là thành công mà ít ai tính đến thời điểm này có thể làm được.

The Kafe hướng đến đối tượng giới trẻ, mục tiêu trở thành “cứ điểm” tụ tập, ăn uống và “check – in” nên dù là trong thời điểm nào (sáng - trưa - chiều - tối) cũng chả phải là điều mà các khách hàng trẻ này quan tâm nhiều lắm.

Bởi thế Kafe đã tạo nên tiếng vang lớn trong cộng đồng giới trẻ, thu hút rất nhiều người. Nhiều khách hàng vẫn quay trở lại The Kafe ít nhất lần thứ hai vì ở đó vẫn có những tiêu chí đáp ứng được nhu cầu của họ. Họ cần không gian có không gian, cần đồ uống có đồ uống và cần chút gì đó để ăn cho khác “cơm phở” thường ngày tại những quán cafe văn phòng thì The Kafe đều đáp ứng được.

Sự pha trộn theo kiểu “nửa vời” đó vẫn tạo nên được sức hút riêng cho The Kafe, níu chân được “du khách” và “thực khách”. Đó là điều thành công mà Chi Anh và The Kafe đã làm được.

Chính điều đó đã khiến cho 26 chi nhánh được mở tại các vị trí “view đẹp” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Và xin khẳng định rằng, giới trẻ “sành ăn chơi” không ai không biết The Kafe, chưa từng một lần đến The Kafe. Những người cũng có ước mơ thành lập nên một cửa hàng cho riêng mình không ai không biết Chi Anh và coi cô là một trong những người tiêu biểu để học tập.

… đến cái bắt tay “lép vế”

Người xưa có câu “Dựng đã khó, giữ còn khó hơn”. Quy chiếu vào The Kafe thì hoàn toàn đúng.

Đã có nhiều bài viết phân tích khá kỹ lưỡng về các nguyên nhân khiến 26 cửa hàng này sụp đổ mà có thể đúc kết thành một “tổ hợp”: Áp lực từ hệ thống chuỗi, phương hướng phát triển hợp thời đại cũng như “kinh nghiệm đàm phán lợi ích” trong khi kêu gọi vốn đầu tư…

Trong kinh doanh luôn có một vấn đề muôn thuở: “CHI PHÍ”. Doanh nhân luôn phải cân nhắc bài toán “KINH PHÍ” vì đó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến “lỗ lãi” của mọi hoạt động kinh doanh.

26 cửa hàng The Kafe là 26 “chi phí” và 26 “bài toán” về kinh phí không thể nào giống nhau về giá thuê địa điểm, doanh thu tháng, lượng khách... Dù vĩ mô là cùng phương thức tính toán nhưng những chi tiết khác nhau của từng bài giải cần một “kinh nghiệm dày dặn” để hóa giải nó.

Không ai nói Chi Anh và hệ thống nhân lực hỗ trợ cô không giỏi, chỉ đơn giản là nguồn nhân lực ấy chưa đủ kinh nghiệm “lão làng” để xử lý 26 bài toán đó cùng lúc - hàng tháng.

Vẫn có quan điểm rằng, khởi nghiệp muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhiều người. Chi Anh đã đi một mình rất nhanh chóng, tạo dựng thành công thương hiệu The Kafe và Kafe Group trong bản đồ của ngành F&B cũng như giới khởi nghiệp trẻ. Nhưng để tiến xa thì cô cần sức của nhiều người.

Và Chi Anh tiến hành kêu gọi vốn. Gọi vốn giữa Chi Anh và Quỹ đầu tư Cassia Investments – Quỹ góp vốn tư nhân tập trung bào ngành tiêu dùng ở Đông Nam Á và Trung Quốc giúp vốn điều lệ của The Kafe tăng lên từ vài tỷ lên 8 tỷ vào T3/2015; 16 tỷ vào đầu tháng 10/2015 và 244,8 tỷ vào 25/10/2015 – thời điểm mà CEO Chi Anh chính thức rời khỏi The Kafe.

Nếu nói không lầm thì gọi vốn chính là bước đi sai của Chi Anh khi phát triển. Việc cô “lép vế” trong quá trình đàm phán lợi ích khiến mọi quyền hạn của cô bị hạn chế. Chi Anh đã từng chia sẻ với báo giới rằng, “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn khi đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận tiêu chí mà họ áp đặt cho mình”.

Tăng vốn điều lệ khiến The Kafe có thêm nguồn lực phát triển, giúp Kafe Group có thêm cơ hội mở rộng nhưng chính diều đó đã khiến thương hiệu đậm chất “tư nhân nội địa” trở thành doanh nghiệp FDI với 100% vốn nước ngoài; trở thành cuộc “thu mua” mà phần thắng không nghiêng về Chi Anh.

“ Thương trường chính là chiến trường. Kẻ mạnh là kẻ thắng. Những kỹ năng và kinh nghiệm đàm phán của Cassia Investments đã chính thức đánh bại Chi Anh.

Sau 3 năm đồng hành cùng The Kafe, Chi Anh quyết tâm “dứt áo ra đi”. Không ai biết cụ thể nguyên do, chỉ có lời đồn đoán do sự bất đồng giữa CEO và nhà đầu tư.

Dù nguyên nhân có là gì thì sự ra đi của Chi Anh chứng minh rằng, sự bất đồng trong quan điểm của đội ngũ lãnh đạo đã phần nào khiến cho The Kafe sụp đổ nhanh chóng.

Bất đồng hay tranh cãi là điều khó tránh khỏi trong kinh doanh. Nhưng với đứa con đã mất 3 năm tạo dựng, việc Chi Anh từ bỏ chính là một cách đầu hàng ẩn dụ đặc biệt.

Gọi vốn luôn có hai mặt. Lợi hại thế nào cần tính toán kỹ lưỡng. Bài toán kinh phí và kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng từ The Kafe và cô gái triệu đô Chi Anh là bài học điển hình đến mức đỉnh cao dành cho giới trẻ khi khởi nghiệp.

M&A là thước đo của khả năng “thương thuyết”và độ “chịu chơi”

Ông Nigel Denscomble – Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Denscombe đã từng chia sẻ với báo chí rằng, có đến 80% DN không hài lòng sau khi tiến hành các thương vụ M&A nhưng thực tế cho thấy, các thương vụ M&A lại đang gia tăng một cách chóng mặt từ năm 2013 đến nay.

Thương vụ thu mua đình đám tại thị trường Việt Nam có thể kể đến cuộc sát nhập đình đám trong ngành bán lẻ giữa Big C – thuộc Casino Group và Central Group của tỷ phú giàu nhất Thái Lan.

Việc Central Group thu mua thành công Big C chính là khả năng chấp nhận giá cả khi đàm phán. Yếu tố tài chính mạnh mẽ đã khiến Central Group chịu chi mạnh tay hơn hẳn những đối thủ cạnh tranh bằng việc chấp nhận khoản thuế chuyển nhượng phát sinh lên đến 3.600 tỷ đồng và nhanh chóng hoàn tất vụ mua bán. Dù Chủ tịch Saigon Co.op đã từng khẳng định rằng, “chúng tôi trả giá không kém gì Thái Lan” nhưng vẫn phải chịu thua.

Mỗi một thương vụ M&A luôn được các bên mua và bán nhắm đến với một mục đích khác nhau. Điều quan trọng để làm nên một cuộc thu mua thành công chính là làm hài hòa tối đa lợi ích đôi bên.

Khi lợi ích không thể dung hòa thì thương vụ ấy dù có giá trị và ảnh hưởng lớn đến đâu cũng sẽ không thể xảy ra. Người CEO cần có một sự dứt khoát mạnh mẽ để đưa ra quyết định.

Làn sóng M&A trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng nở rộ không chỉ bởi thị trường chứng khoán đã có những khởi sắc trở lại mà bởi nhu cầu gọi vốn, tăng vốn để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh ngày càng cao của doanh nghiệp. Nhưng giá trị của M&A không chỉ dừng lại ở bài toán “vốn – lợi ích” mà thể hiện cho tầm, tài của những nhà điều hành và sáng lập doanh nghiệp.

“Các founder của doanh nghiệp hãy trang bị các cơ quan pháp lý!”

Ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Agricare Việt Nam

Hậu khởi nghiệp: Để thành công bước tiếp thành công ảnh 3

Cơ quan pháp lý không chỉ quan trọng cho một doanh nghiệp lớn mà còn quan trọng với tất cả các DN. Các doanh nghiệp Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng tài chính, kinh nghiệm cũng như kiến thức về pháp luật còn hạn chế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp càng là đối tượng yếu kém trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tài chính luôn là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm nên họ luôn biết cách làm thế nào để đảm bảo lợi ích cho mình và tạo sức ép đối với các doanh nghiệp khác. Việc trang bịcác đơn vị tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng.

Các cơ quan pháp lý đó có thể là luật sư – văn phòng luật sư, đại diện cơ quan pháp luật hay các tổ chức pháp lý… Họ sẽ là những người tư vấn cho founder, hội đồng quản trị hay đơn giản là các bản trẻ muốn startup hiểu đầy đủ về pháp luật.

Những bạn trẻ cần phải thay đổi nhận thức về vấn đề này đặc biệt là các founder. Không nên chỉ tư duy về pháp luật trong những vấn đề về mua bán, mở rộng vốn, tìm nguồn đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp khác. Các cơ quan pháp lý còn có giá trị quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của các nhà đồng sáng lập công ty với nhau, thậm chí quyền lợi chung của công ty trong kinh doanh với đối tác…

Tôi nghĩ rằng, chi phí cho vấn đề này không quá lớn. Cái quan trọng là doanh nghiệp hiểu và nhận thức thế nào về tầm quan trọng của vấn đề này.

Về vấn đề pháp lý về mua bán sát nhập ở Việt Nam hiện nay, tôi nhận thấy cơ sở pháp lý còn lỏng lẻo, thậm chí còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trẻ càng gặp nhiều khó khăn hơn và chịu nhiều thiệt thòi.

Việc đẩy mạnh hệ thống cơ sở pháp lý không chỉ đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh, mở rộng vốn, quy mô cho các doanh nghiệp Việt Nam với nhau chứ chưa kể đến cơ hội hợp tác với các công ty, tổ chức đầu tư tài chính quốc tế.

7 lý do khiến các thương vụ M&A thất bại

Nigel - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Denscombe

Hậu khởi nghiệp: Để thành công bước tiếp thành công ảnh 4

1. Doanh nghiệp đã không đánh giá đầy đủ mục tiêu của mình, dẫn tới việc trả giá quá cao cho công ty mục tiêu.

2. Doanh nghiệp khó khăn khi tích hợp hai hệ thống của hai doanh nghiệp với nhau, nhất là hòa quyện về văn hóa doanh nghiệp, hòa hợp hệ thống tài chính, kiểm soát các mối quan hệ công việc… Theo đó, hai công ty dù có “sức khỏe” tốt nhưng nếu tích hợp không tốt thì thương vụ M&A vẫn có thể thất bại

3. Không đạt được các giá trị cộng hưởng, tức lợi nhuận thu về từ khối tài sản của hai công ty nhập lại không tăng lên.

4. Đa dạng hóa quá nhiều. Nói cách khác, công ty hậu M&A quá tham vọng, quá đa dạng mục tiêu dẫn đến giảm hiệu suất, nhà quản lý không thể kiểm soát được hoạt động của mình.

5. Các nhà quản lý quá tập trung vào M&A, lơ là các hoạt động chính của mình.

6. Quy mô quá lớn với người mua, tức “cá bé nhưng lại nuốt cá lớn”

7. Công ty được mua lại có quá nhiều nợ xấu, khiến công ty hậu M&A có khả năng bị nợ xấu đe dọa, tăng khả năng phá sản, hạ bậc xếp hạng tín nhiệm…

Ngọc Bích

Có thể bạn quan tâm