Hậu M&A, Kido đã sống bằng lợi nhuận tự kinh doanh

Với doanh thu trên 7.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) đang dần chiếm lĩnh thị phần ở ngành thực phẩm thiết yếu có quy mô 250.000 tỷ đồng.
Hậu M&A, Kido đã sống bằng lợi nhuận tự kinh doanh

Tiếp tục mua cổ phần công ty dầu thực vật

Mua bán - sáp nhập (M&A) đã trở thành chiến lược kinh doanh của Kido, kể từ khi bước chân vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, với những thương vụ nổi bật như mua lại 75,44% vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, 51% vốn của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), 65% vốn của Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (mã: KDF)...

“Các chỉ số tăng trưởng hiện nay đã chứng minh, Kido đang kinh doanh trong một ngành có rủi ro, nhưng có khả năng kiểm soát tốt”, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc Kido, kiêm Tổng giám đốc Vocarimex nói.

Bà Liễu cũng tự tin, từ năm 2017, Tập đoàn đã có thể “sống” bằng lợi nhuận tự kinh doanh, với biên lợi nhuận gộp ở mức 20,7%, tức là, Kido đã thành công trong quá trình chuyển đổi hậu M&A.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Kido cho biết: “Năm nay, Kido tiếp tục M&A. Chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục để mua 51% vốn của một công ty dầu thực vật liên doanh giữa Vocarimex và một công ty của Malaysia”.

Kỳ vọng doanh thu 12.000 tỷ đồng

Tổng doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của Kido tăng tương ứng hơn 200% và 380% so với năm 2016, nhờ sự đóng góp từ các công ty con như Tường An, Vocarimex hay KDF... Trong đó, sản phẩm kem mang lại doanh thu 1.178 tỷ đồng, dầu ăn 5.434 tỷ đồng và các mặt hàng khác là 404 tỷ đồng.

Với hệ thống 8 công ty con, 4 công ty liên kết và 2 công ty liên doanh, Kido đặt mục tiêu tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế năm 2018 tương ứng là 12.000 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, tăng lần lượt 70% và 40% so với năm 2017. Trong đó, Tường An đóng góp khoảng 5.600 tỷ đồng, Vocarimex khoảng 4.400 tỷ đồng, KDF khoảng 1.800 tỷ đồng và liên doanh cùng Dabaco khoảng 300 tỷ đồng, khi tháng 7/2018 sẽ ra mắt mặt hàng chả lụa, xúc xích, dăm bông...

“Các sản phẩm mới, chúng tôi chỉ đặt kỳ vọng đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu”, ông Trần Kim Thành nói.

Lãnh đạo Kido nhiều lần cho biết, tham vọng của Tập đoàn là “lấp đầy gian bếp Việt, ở cả bếp nóng lẫn bếp lạnh” (sản phẩm trong tủ lạnh - PV), từ các mặt hàng tươi sống, đông lạnh cũng như đồ hộp. Cụ thể, Kido ước tính, giá trị ngành thực phẩm thiết yếu năm 2018 có thể đạt 250.000 tỷ đồng, thực phẩm đóng gói là 175.900 tỷ đồng, với mức tăng trưởng khoảng 6,2% (trong đó, ngành dầu ăn 30.500 tỷ đồng, đường 33.600 tỷ đồng, mỳ 33.400 tỷ đồng, nước sốt 23.900 tỷ đồng và nước uống là 54.450 tỷ đồng) và thực phẩm đông lạnh là 18.160 tỷ đồng với mức tăng trưởng 5,5% (kem và thực phẩm tráng miệng chiếm 3.250 tỷ đồng, mặt hàng đông lạnh khoảng 7.250 tỷ đồng và sữa chua là 7.660 tỷ đồng).

Khi nói về sự cạnh tranh trong ngành với Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, bà Xuân Liễu cho rằng, lợi thế từ 450.000 điểm bán lẻ ngành khô, 70.000 điểm bán lẻ ngành lạnh, 281 nhà phân phối... là tạm đủ để Kido tự tin có thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân Việt Nam.

“Chúng tôi chiếm 30% thị phần dầu ăn, cả dầu chai và dầu đông lạnh. Vocarimex đủ năng lực cung cấp cho tất cả các nhà máy công nghiệp sử dụng dầu thực vật trên toàn thị trường và tiếp tục xuất khẩu sang 11 quốc gia”, Phó tổng giám đốc Kido khẳng định.

Có thể bạn quan tâm