Hawa ra mắt Cơ sở Dữ liệu gỗ hợp pháp, kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu

Sáng 18/1, tại TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đã chính thức công bố dự án HAWA DDS, ra mắt Cơ sở dữ liệu gỗ hợp pháp Việt Nam cùng bộ chứng từ giải trình cơ bản nguồn gốc gỗ rừng trồn
Hawa ra mắt Cơ sở Dữ liệu gỗ hợp pháp, kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu

Với việc ra mắt cơ sở dữ liệu gỗ hợp pháp, HAWA kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành gỗ Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, Cơ sở Dữ liệu Gỗ Hợp pháp là một website: www.gohopphap.com, đã cập nhật đầy đủ những thông tin của nguồn nguyên liệu, từ trữ lượng, độ tuổi rừng, thông tin đơn vị sở hữu... những dữ liệu này được lấy và đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau nên thông tin có độ chính xác cao.

Như vậy, sẽ giúp DN dễ dàng tìm kiếm bất kỳ loại gỗ rừng trồng nội địa trên toàn quốc, còn chủ rừng và các đơn vị sở hữu rừng trồng hợp pháp cũng sẽ dễ dàng tiếp cận trực tiếp với tất cả các nhà sản xuất để bán gỗ với giá cao hơn mà không lo thương lái ép giá.

Bên cạnh website www.gohopphap.com, HAWA cũng cho ra mắt BasicDocs - bộ biểu mẫu được phát triển dựa trên những chứng từ và tài liệu tối thiểu mà các DN ngành gỗ hiện giờ báo cáo và sử dụng, nhưng đã được bổ sung nhiều yếu tố cần thiết cho công tác kê khai chứng từ như thể hiện song ngữ, bổ sung với các kết nối mã số tham chiếu của các chứng từ đầu vào...

Qua đó, phản ánh rõ quá trình tách gộp, chuyển đổi hình thái và chuyển đổi sở hữu của gỗ rừng trồng trong suốt hành trình trên chuỗi cung ứng... mà không khiến cho DN phải tăng thêm bất kỳ một thủ tục hành chính nào. Bên cạnh đó, các biểu mẫu này theo đúng chuẩn của Nhà nước, và có phần hướng dẫn sử dụng được in ở mặt sau, được viết bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất cho mọi người sử dụng.

“Đây chính là 2 sản phẩm bước đầu đón đầu nhu cầu từ thị trường trước khi HAWA chính thức hoàn thiện nền tảng Hệ thống Giải trình Gỗ Hợp pháp HAWA DDS vào khoảng đầu năm 2020. Trong tương lai không xa, nhất định sẽ hiện thực hóa thành công ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ nội thất của thế giới làm từ gỗ hợp pháp”, ông Quốc Khanh thông tin.

Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng Cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) đánh giá, đây là kết quả tiến bộ nhanh của ngành, khả quan hơn cả Indonesia, bởi chúng ta nhận được sự quan tâm ngay từ đầu của cộng đồng DN, các tổ chức quốc tế và các tổ chức chính trị xã hội.

Thực tế, Tổng Cục Lâm nghiệp chỉ mới quan tâm ngành gỗ vài năm trở lại đây, nhưng ngành gỗ trước nay vẫn phát triển vẫn rất tốt, và hiện nay sẽ tiếp tục nâng cấp bộ phận hỗ trợ chứ không phải nâng cấp thủ tục hành chính để quản lý.

Hiện nay, trên thị trường thế giới, yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ ngày càng tăng, do những yêu cầu và quy định pháp luật ở các nước tiêu thụ và một loạt các chính sách mua hàng liên quan tới việc xác minh tính hợp pháp của nguồn gỗ, ở cả khu vực tư nhân và khu vực công.

Việc phát triển dự án Hawa DDS, sẽ thực hiện tốt cũng như đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp - câu chuyện sống còn của DN chế biến gỗ, mà Việt Nam đã kí với Liên minh Châu Âu (EU) Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) hôm 19/10/2018 tại Brussels, Bỉ.

Rõ ràng, ngay từ đầu Việt Nam đã xác định hướng đi xa hơn trước khi kí kết Hiệp định với EU, đó là không chỉ áp dụng phục vụ cho riêng thị trường này mà còn cho toàn bộ chuỗi sản xuất lâm nghiệp trong nước, tức là tất cả những sản phẩm từ tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang thị trường khác cũng đều thực hiện theo một cơ chế như vậy.

Mới đây nhất, Việt Nam đã chính thức bước vào cánh cửa Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới CPTPP, đồng nghĩa cơ hội tiếp cận các thị trường khác cũng ngày càng sâu rộng hơn, nhất là Canada, Peru, và Mexico.

Từng phát biểu tại hội thảo Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn Hiệp định EVFTA/CPTPP, ông Phạm Phú Ngọc Trai, TGĐ Cty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) đưa đánh giá chung, Việt Nam đang có những lợi thế hết sức ấn tượng, đó là lợi thế vốn có của con người Việt, với sự khéo tay, khả năng tiếp nhận công nghệ nhanh nhạy, đã và đang khẳng định yếu tố sản phẩm - công nghệ.

Với nguồn nguyên liệu bản địa và chính sách phát triển nguồn nguyên liệu đã được nhà nước xác định, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang có cơ hội to lớn trước một chiến lược phát triển hết sức bền vững hướng đến môi trường.

Xét về định hướng chiến lược trên 5 giá trị cốt lõi để xây dựng một quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp đồ gỗ bao gồm: Sản phẩm; Công nghệ; Thiết kế; Thương hiệu và Tính Bền vững. Nhưng điều mà ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện đang cần làm ngay là xây dựng được thị trường Thiết kế và Thương hiệu quốc gia - quốc tế cho ngành đồ gỗ.

“Hiện nay, các DN trong ngành cũng đã bắt đầu hướng đến việc xây dựng hai giá trị này, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như từng bước tạo ra giá trị gia tăng từ gia công truyền thống. Hai giá trị này sẽ là đòn bẩy để DN đạt đến giá trị thặng dư cao hơn”, ông Ngọc Trai đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm