Hé lộ khoản nợ 20.500 tỷ đồng của “ông lớn” tàu thủy tại DATC

BCTC kiểm toán năm 2018 của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa được công bố gây chú ý với khoản phải thu lên tới 20.500 tỷ đồng của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC, tên cũ Vi
Hé lộ khoản nợ 20.500 tỷ đồng của “ông lớn” tàu thủy tại DATC

Theo BCTC của DATC, trong năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.468 tỷ đồng, giảm 34,6% so với năm trước. Do giá vốn tăng mạnh lên 1.453 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp giảm tới 96% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 14,3 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp đạt chưa đến 1% trong khi năm 2017 là 14,6%.

Doanh thu tài chính của DATC trong năm 2018 đạt  205 tỷ đồng, chi phí tài chính được hoàn nhập hơn 38,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 82 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt hơn 158 tỷ đồng, nhưng giảm khoảng 50% so với năm 2017.

Tính đến 31/3/2018, DATC có tổng tài sản 27.165 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 6.655 tỷ, tài sản dài hạn đạt 20.510 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty vượt 21.406 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là các phải trả dài hạn và ngắn hạn khác.

Trong đó, chủ yếu là khoản nợ dài hạn lên tới 20.015 tỷ đồng đến từ SBIC. Cụ thể tại SBIC, DATC có khoản phải thu lớn nhất là phát hành trái phiếu dài hạn với tổng trị giá 15.406 tỷ đồng; phải thu phát hành hối phiếu với tổng trị giá 5.125 tỷ đồng; phải thu lãi trái phiếu trong nước khi SBIC trả nợ trước hạn là 15,3 tỷ đồng và phí trái phiếu trong nước là 7,4 tỷ đồng.

Thuyết minh của báo cáo tài chính cả DATC cho biết khoản phải thu với SBIC do phát hành hối phiếu để mua lại số lượng trái phiếu quốc tế đã phát hành để tái cơ cấu nợ cho SBIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Khoản phải thu dài hạn SBIC bao gồm gốc và lãi phát sinh đến 31/12/2018 của trái phiếu để tái cơ cấu nợ cho SBIC. Như vậy, tổng các khoản nợ của SBIC vượt 20.500 tỷ đồng.

SBIC là khách hàng nợ lớn nhất của DATC trong những năm qua tiếp tục lún sâu vào thua lỗ. Năm 2018, công ty mẹ SBIC đặt mục tiêu cả năm đạt 2.320 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế ở mức 2.885 tỷ đồng.

Trước tình hình khó khăn, SBIC đã từng có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cho phép SBIC được xóa nợ (nợ gốc và nợ lãi) và xin hỗ trợ một khoản kinh phí để đơn vị giải thể. Nhiều tài sản (tàu) đã được tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công. Tỷ lệ thu hồi vật tư, sản phẩm dở dang ước tính khoảng 6-10% giá trị đã đầu tư.

Để khắc phục các khó khăn hiện nay, Tổng công ty đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho phép doanh nghiệp được tham gia các dự án đóng tàu ở mọi lĩnh vực như tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu du lịch, tàu của các đơn vị như Cục Hàng hải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam...

SBIC tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ nghiêm trọng, ngày 26.7.2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin. Ngày 21.10.2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin.

Được biết, DATC được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối xử lý nợ cho SBIC. Việc các khoản phải thu của DATC từ SBIC vẫn ở mức rất cao, cho thấy việc xử lý nợ của SBIC vẫn gần như “Dậm chân tại chỗ”.

 >> Ocean Group mới chỉ thu được 200 tỷ trong 2000 tỷ đồng phải thu

Có thể bạn quan tâm