Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển.
Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển; chấn chỉnh các địa phương tuân thủ theo đúng quy định liên quan của pháp luật trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Kết luận nêu rõ, thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có nhiều tiềm năng, được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm; có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết, định hướng lĩnh vực sản xuất. Trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường, lĩnh vực phân phối, bán lẻ luôn là lĩnh vực nhạy cảm và được mở cửa theo lộ trình và Việt Nam đã giữ được một số biện pháp quản lý, kiểm soát nhất định.

Thực tế công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước vừa qua cho thấy nhận thức của các Bộ, ngành và địa phương về việc mở cửa thị trường còn chưa thực sự thống nhất; việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng; việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp phân phối có vốn FDI chưa hiệu quả, chưa có các biện pháp hỗ trợ hợp lý để doanh nghiệp trong nước phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước.

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này; đồng thời, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ Luật Đầu tư và lộ trình, cam kết quốc tế; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán lẻ những mặt hàng Việt Nam không cam kết. Việc xem xét, cấp phép cần gắn với việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước...

>> Những ai đang “làm mưa làm gió” trên thị trường bán lẻ Việt

Có thể bạn quan tâm