Hỗ trợ khách hàng mùa dịch Covid-19: Vì sao các công ty tài chính đứng ngoài cuộc?

Trong khi tất cả ngân hàng đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ doanh nghiệp đến cá nhân thì các công ty tài chính lại khá lặng tiếng trong xu thế này.
Hỗ trợ khách hàng mùa dịch Covid-19: Vì sao các công ty tài chính đứng ngoài cuộc?

Rủi ro nợ xấu

Trong nhiều năm gần đây, hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay cá nhân bởi biên lợi nhuận ròng thu về khá tốt. Tính đến cuối năm 2019, các ngân hàng đã cho vay cá nhân khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,4%.

Tuy nhiên, trước khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp gia tăng khiến nhiều người đang có nợ vay ở ngân hàng gặp khó khăn trong trả nợ. Vì vậy, ngân hàng đã chủ động thực hiện giảm, giãn nợ cho khách hàng trong thời gian 3 - 6 tháng để họ có thể an tâm, không quá áp lực trong việc trả nợ.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh kéo dài tác động lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, khiến người lao động bị giảm thu nhập. Trong khi dịch bệnh chưa thể xác định được thời gian nào là đỉnh, thì tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài trên dưới 1 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính sẽ tăng nhanh.

Theo một báo cáo chiến lược tháng 4/2020 của CTCK Rồng Việt (VDSC), các cuộc khủng hoảng tài chính thường đi kèm với suy thoái kinh tế. Khủng hoảng tín dụng vẫn có nguy cơ xảy ra, nếu thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Để tránh rủi ro nợ xấu tiêu dùng cá nhân tăng cao, các ngân hàng không chỉ giảm lãi vay cho doanh nghiệp, mà còn đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng nhỏ lẻ. Chẳng hạn, Ngân hàng Kienlongbank giảm đến 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng vay vốn trả góp kể từ ngày 3/4/2020 cho đến 30/6/2020.

Chia sẻ về chính sách thiết thực này với khách hàng, bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, trước khi giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân, Ngân hàng đã tham khảo ý kiến, tìm hiểu các khó khăn cốt lõi từ khách hàng. Từ đó, thay vì triển khai các chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay mới, Kienlongbank tập trung giảm lãi cho khách đang vay. Bởi trong hoàn cảnh cách ly xã hội, đóng cửa kinh doanh hàng loạt, thì nhu cầu vay mới không khả quan.

Công ty tài chính "thờ ơ"

Ngoài Kienlongbank còn nhiều các nhân hàng khác như VietCapitalBank, ACB, HDBank... cũng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ khó khăn này.

Tuy nhiên, trái ngược với sự nỗ lực của ngân hàng là sự im lặng của các công ty tài chính. Trong khi, đa phần các công ty tài chính hiện nay đều là công ty con của các ngân hàng.

Hiện, trên thị trường, có 3 công ty đang chia nhau thị phần lớn nhất về cho vay tiêu dùng là FE Credit, Home Credit, HD Saison. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, lượng khách hàng của cả 3 công ty này đạt hơn 30 triệu khách hàng cá nhân với các sản phẩm chính như: Cho vay trả góp xe gắn máy; Cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và Cho vay trả góp tiền mặt.

Bên cạnh 3 "ông lớn" kể trên thị trường vay tiêu dùng còn đang thu hút những cái tên khác như: Toyota Financial Services, JACCS, Mirae Asset và MCredit, SHB Finance và Easy Credit...

Thực tế, trong số vài chục triệu khách hàng cá nhân của các công ty tài chính, không ít trong số đó là chủ cơ sở kinh doanh, công nhân, nhân viên làm việc thời vụ... đây đều là những người đang bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19.

Chị Kim Oanh - chủ một quán cà phê tại phố Tô Hiệu (Hà Nội) cho biết, trước đây có mua một chiếc điện thoại trả góp trong 6 tháng, chị đã trả được 4 tháng thì dịch bệnh bùng phát, thực hiện yêu cầu của Chính phủ chị đã đóng cửa cơ sở kinh doanh gần 1 tháng nay.

Khi được nhân viên của HD Saison (đơn vị hỗ trợ khoản vay trả góp) gọi điện nhắc nợ, chị có trình bày về việc thời gian qua không có doanh thu và hỏi về có chính sách hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ này hay không thì nhân viên thu hồi nợ trả lời là "không thấy công ty thông báo gì", đồng thời đề nghị chị trả nợ đúng hạn, nếu không sẽ bị nhảy nhóm nợ sang nhóm 2.

"Tôi nói với bạn nhân viên thu hồi nợ là chính sách của NHNN tuyên truyền hàng ngày trên báo chí và truyền hình về việc giảm lãi vay, cơ cấu nợ, giãn cách thời gian trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, mà thực tế là thời gian qua nhiều ngân hàng cũng đã có thông báo về việc hỗ trợ khách hàng cá nhân nhưng bạn nhân viên đó trả lời là ngân hàng là ngân hàng mà công ty tài chính là công ty tài chính", chị Kim Oanh nói.

Chị này cũng cho biết thêm, nếu dịch bệnh kéo dài, cửa hàng phải đóng cửa hết tháng 4 thậm chí sang tháng 5 thì chị sẽ không đủ khả năng trả khoản tiền mua điện thoại trả góp 2 tháng cuối cùng. "Nếu bị nợ xấu thì tôi cũng đành chấp nhận, vay mượn bạn bè người thân cũng ngại vì giờ ai cũng khó khăn".

Thực tế, khi vay tiền dưới hình thức nào của các công ty tài chính khách hàng đều đã phải chấp nhận một mức lãi khá cao có thể lên tới 27%/năm ở mức cố định (không có giảm gốc, giảm lãi).

Với mức lãi suất này, các công ty tài chính đều đặn hàng năm có thể thu về khoản lợi nhuận khá lớn. Có thể lấy ví dụ tại FE Credit, trong năm 2019 vừa qua, lãi trước thuế công ty ghi nhận tới 4.500 tỷ đồng - một khoản lợi nhuận "mơ ước" đối với cả một ngân hàng thương mại quy mô vừa.

Thế nhưng, giữa thời điểm khó khăn, các công ty này lại "thờ ơ" với chính những người đang đóng góp rất lớn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm