Hòa Phát đang vay nợ bao nhiêu?

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2020 Hòa Phát đang ghi nhận 42.600 tỷ đồng nợ vay, chiếm 38% tổng nguồn vốn.
Hòa Phát đang vay nợ bao nhiêu?

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với kết quả khả quan. Theo đó, doanh thu trong kỳ đạt 20.694 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.756 tỷ đồng, tăng hơn 34% và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử gần 30 năm của Hoà Phát.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận quý II tăng đột biến, Hòa Phát cho biết do sản lượng bán thép tăng và mảng nông nghiệp bắt đầu tạo ra lợi nhuận.

Lũy kế 6 tháng, Hòa Phát đạt 40.145 tỷ đồng doanh thu, 5.060 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 29% và 31% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh năm 2020 vừa được ĐHĐCĐ thông qua cuối tháng 6, Hòa Phát đã hoàn thành 47% doanh thu và 56% lợi nhuận sau thuế.

Kết quả kinh doanh tuy khởi sắc nhưng Hòa Phát hiện đang gánh khoản nợ phải trả lên đến hơn 60.063 tỷ đồng, tăng 11% trong đó nợ vay vượt 42.600 tỷ đồng, tăng 16% so đầu năm và chiếm gần 38% tổng tài sản. Nợ vay lớn khiến Hòa Phát phải trả hơn 1.000 tỷ đồng lãi vay từ đầu năm.

Con số nợ này được dự báo sẽ chưa dừng lại bởi “quân bài” tăng trưởng của Hòa Phát là dự án Dung Quất mở rộng có thể tiêu tốn một lượng tiền đầu tư lớn trong giai đoạn tiếp theo khi Hòa Phát đang xin ý kiến cổ đông nâng công suất dự án lên gấp đôi (bổ sung thêm 5 triệu tấn thép/năm) để sản xuất được 13,9 triệu tấn thép/năm.

Theo đó, dự án Dung Quất mở rộng cần thêm 50.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2023-2029, nâng tổng mức đầu tư của công ty tại dự án này lên 102.000 tỷ đồng, tăng tới 96%. Hòa Phát dự kiến cấu trúc vốn cho dự án mở rộng này gồm 60% vốn tự có và 40% từ nguồn vay, đồng nghĩa với việc “nợ chồng nợ”.

Thực tế, dự án này đang được đánh giá là “đình đám và tai tiếng” nhất của Hòa Phát bởi lẽ kể sau khi đi vào hoạt động đã không ít lần xảy ra những sự cố khiến người dân và dư luận từng nhiều lần đặt ra câu hỏi về chất lượng thiết bị vận hành.

Cụ thể như sự cố cột khói bất thường có màu hồng từ nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất khiến người dân và các chuyên gia lo ngại hồi tháng 12/2020. Hòa Phát “phân trần” là do hệ thống lọc bụi tĩnh điện lò thổi của nhà máy luyện thép Hòa Phát Dung Quất gặp sự cố vận hành khiến bụi quặng sắt Fe2O3 phát tán.

Ngày 20/7/2020 vừa qua ông Nguyễn Tăng Bính - PCT UBND tỉnh Quảng Ngãi trả lời về việc ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn, mùi hôi, khét xuất phát từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất và sự việc Nhà máy thép Hòa Phát lấy nước chứa tại đập Cà Ninh đã làm ngập úng một số diện tích ruộng trũng của Nhân dân các xóm 1, 2, 3a, 3b thuộc thôn Phú Long I, xã Bình Phước.

Phó Chủ tịch tỉnh cho hay, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn, mùi hôi, khét đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Qua kiểm tra, rà soát nguyên nhân phát sinh mùi hôi, khét được xác định từ công đoạn dập xỉ tại khu vực lò cao luyện gang và khu ủ xỉ lò thổi luyện thép.

Không chỉ riêng đối với Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất trong những năm gần đây hàng loạt nhà máy, dự án,… của tập đoàn này sảy ra các sự cố môi trường có thể nhắc tới như: Sự cố nước từ các “bể sinh học” tràn ra hồ Ngả Hai khiến cá chết hàng loạt (tháng 10/2019) của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát tại Phú Thọ; Công ty TNHH Điện lạnh Hoà Phát đã xả nước thải có một số thông số môi trường vượt 66% tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải...

Có thể bạn quan tâm