Hợp tác với VNPT, Cục Văn thư lưu trữ nhà nước thúc đẩy chuyển đổi số

Mới đây, tại Hà Nội, Cục văn thư lưu trữ nhà nước và Tập đoàn VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020 - 2025.

Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong công cuộc số hóa tài liệu lữu trữ theo định hướng của Chính phủ mà VNPT đóng vai trò không thế thiếu trong đó.

Việt Nam là quốc gia có tên trên bản đồ về sở hữu hệ thống lưu trữ phát triển trên thế giới vì được kế thừa một truyền thống về lưu trữ lâu đời từ Triều Nguyễn. Từ đó cho đến nay, Việt Nam đã có một di sản lưu trữ đồ sộ và trong đó có những di sản được thế giới công nhận. Kể từ khi Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử cùng với sự ra đời của Trục liên thông văn bản quốc gia, ngành lưu trữ buộc phải chuyển đổi để bắt kịp với xu thế của thời đại.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và ông Ngô Diên Hy - Tổng Giám đốc Công ty VNPT-IT đặt bút ký kết thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo và đại biểu hai bên
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và ông Ngô Diên Hy - Tổng Giám đốc Công ty VNPT-IT đặt bút ký kết thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo và đại biểu hai bên

Trước xu thế phát triển của thế giới và đứng trước yêu cầu của Chính phủ, Cục Văn thư lưu trữ đã sớm có những hợp tác với các Tập đoàn lớn của nhà nước để xây dựng và phát triển các nền tảng ứng dụng khác nhau và CNTT là một trong số đó. Theo ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, khi những văn bản quan trọng nhất của nhà nước, các văn bản giữa các Bộ/ngành và giữa các địa phương lưu thông trên Trục liên thông văn bản quốc gia đó chính là nguồn tài liệu quan trọng nhất cần phải lưu giữ lại cho tương lai. Các tài liệu, dữ liệu này lại được lưu truyền trên chính nền tảng do VNPT xây dựng, chính vì vậy, việc Cục Văn thư lưu trữ ký kết hợp tác với VNPT là vô cùng thuận lợi và mở đầu cho những hợp tác sâu rộng giữa hai bên, mang lại những hiệu quả cả về mặt quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong công tác văn thư lưu trữ.

Sau lễ ký kết này, Tập đoàn VNPT và Cục Văn thư lưu trữ nhà nước sẽ phối hợp nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án “Lưu trữ tài liệu điện tử Phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam”. Đồng thời, hai bên sẽ nghiên cứu, đề xuất thí điểm thu thập tài liệu lưu trữ điện tử có thời hạn bảo quản vĩnh viễn hình thành trong quá trình hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương hiện đang sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Tập đoàn VNPT. Hoạt động hợp tác này sẽ được hai bên tiến hành khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về thu thập tài liệu lưu trữ. Đối với các địa phương, hoạt động này được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án thí điểm thu thập và tích hợp dữ liệu tài liệu lưu trữ nhằm quản lý tập trung thống nhất tài liệu lưu trữ điện tử Phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Về phía Tập đoàn VNPT sẽ nghiên cứu, đề xuất thí điểm trang bị hạ tầng kỹ thuật và giải pháp công nghệ để thực hiện các quy trình nghiệp vụ lưu trữ điện tử tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Cùng với đó là tư vấn xây dựng Phân hệ lập, quản lý và lưu trữ hồ sơ điện tử thuộc Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Tập đoàn VNPT đáp ứng quy định của pháp luật về lưu trữ

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tin tưởng rằng, với sự hợp tác nhiệt tình của Lãnh đạo Cục Văn thư lưu trữ nhà nước hai bên mới đi đến buổi ký kết hôm nay. Đứng trước nhiệm vụ chuyển đổi số cho chính quyền, cho quốc gia, VNPT rất làm vinh dự tiếp tục đồng hành trong hoạt động chuyển đổi số của Cục Văn thư lưu trữ. VNPT cam kết sẽ làm hết sức mình để cùng với Cục Văn thư lưu trữ nhà nước hiện thực hóa công tác chuyển đổi số. Đây mới chỉ là bước khởi đầu, là nền tảng để VNPT đồng hành cùng Cục văn thư lưu trữ trong chuyển đổi số chính quyền tại Việt Nam.

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là cơ quan hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong phạm vi cả nước; quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia và thực hiện các dịch vụ công về văn thư, lưu trữ theo quy định của pháp luật. Với khối lượng lưu trữ dữ liệu lớn như vậy, nhu cầu số hóa dữ liệu để quản lý là vấn đề vô cùng cấp thiết và quan trọng.

Có thể bạn quan tâm