HoREA: Khó xảy ra “bong bóng” bất động sản vì các chủ thể đều đã thông minh hơn

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa công bố cáo cáo về thị trường bất động sản 10 tháng năm 2017, trong đó tái khẳng định sẽ khó có thể xảy ra “bong bóng” bất động sản.
HoREA: Khó xảy ra “bong bóng” bất động sản vì các chủ thể đều đã thông minh hơn

Lý giải về nhận định này, HoREA cho rằng thị trường bất động sản có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước, đồng thời các các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường và nhất là các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.

"Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường bất động sản thì các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn”, báo cáo của HoREA nhấn mạnh.

Theo HoREA, trong 09 tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã phát triển được 8,01 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 160,15 triệu m2, bình quân đạt 18,73 m2/người.

Trong đó, Sở Xây dựng và các quận, huyện đã cấp 38.242 giấy phép xây dựng, giảm 8,41% so với cùng kỳ năm 2016, với tổng diện tích sàn xây dựng là 13,1 triệu m2. Điểm đáng lưu ý là đã có 179 giấy phép xây dựng cấp cho doanh nghiệp và tổ chức, tăng 10,49%; nhưng chỉ có 38.063 giấy phép xây dựng cấp cho cá nhân, hộ gia đình, giảm hơn cùng kỳ năm trước. Dù vậy thì nhìn tổng thể, khu vực nhà dân tự xây dựng hiện nay vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với hơn 80% tổng diện tích nhà ở xây dựng mới.

Tuy nhiên, các dự án nhà ở do doanh nghiệp đầu tư đang có xu thế ngày càng tăng lên, toàn thành phố hiện có 29 dự án nhà ở quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến gần 158 ngàn tỷ đồng. Trong đó có 02 dự án có quy mô trên 50ha, và 27 dự án mà mỗi dự án có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, hoặc có trên 1.500 căn hộ/căn nhà.

Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai thực hiện "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị", trong đó công tác phát triển nhà ở phục vụ an sinh xã hội, với 12 dự án nhà tái định cư với quy mô 12.558 căn hộ và nền nhà.

Hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản như Lê Thành, Nam Long, Hoàng Quân… đã đầu tư và công bố các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn. Trong đó phải kể đến hai dự án EhomeS tại phường Phú Hữu (Q.9) và xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) của Nam Long với tổng số hơn 1.730 căn hộ.

Khó khăn hiện nay là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hành Chính sách xã hội tiếp tục được giữ ở mức 4,8%/năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bố trí 2.000 tỷ đồng (khoảng 1.160 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội vay) nhưng đến nay người mua nhà ở xã hội vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Vì vậy, như tại dự án của Nam Long dù đã được công ty hỗ trợ 2% lãi vay, nhưng người mua nhà vẫn phải trả lãi vay 7%/năm trong 02 năm đầu tiên, lãi suất các năm tiếp theo được thả nổi.

Thị trường nhà ở thương mại của TP.HCM trong 09 tháng đầu năm 2017 đã có 61 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 28.639 căn (trong đó, có 25.320 căn hộ chung cư, 3.319 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 61.102 tỷ đồng.

Phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, phân khúc trung cấp có 13.976 căn, chiếm tỷ lệ 48,8%, phân khúc bình dân có 7.212 căn, chiếm tỷ lệ 25,2%. Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 09 tháng đầu năm.

“Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ, từ 1-2 phòng ngủ”, HoREA nhận định. Tuy nhiên, theo HoREA, tỷ lệ căn hộ bình dân vẫn còn khá thấp (chỉ chiếm 25,2%) chưa đáp ứng được nhu cầu còn rất lớn.

9 chung cư thì có 1 chung cư xảy ra tranh chấp
9 chung cư thì có 1 chung cư xảy ra tranh chấp


HoREA cũng cảnh báo tình trạng tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng. Toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 09 chung cư có tranh chấp rất gay gắt phức tạp.

Một lưu ý khác là cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô dù đã được hạ nhiệt nhưng hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Dự báo 2 tháng cuối năm 2017 và năm 2018, HoREA cho rằng: Thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016. Trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn và sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá “vừa túi tiền”, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

“Quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của thành phố và đã có tính lan tỏa trong "Vùng TP.HCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai”, HoREA nhận định.

Có thể bạn quan tâm