HoREA: Thị trường sẽ hồi phục vào 3 tháng cuối năm

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM 10 tháng năm 2020 và dự báo thị trường bất động sản năm 2021.
HoREA: Thị trường sẽ hồi phục vào 3 tháng cuối năm

Theo Hiệp HoREA, từ tháng 8/2020 đến nay, nguồn cung dự án nhà ở đã có dấu hiệu cải thiện, bổ sung thêm nguồn cung sản phẩm nhà ở trong quý 4/2020 và năm 2021.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, đối với các dự án nhà ở quy mô nhỏ có 100% đất ở hợp pháp, Sở Xây dựng đã giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 11 dự án, tăng 10 dự án, gấp 11 lần; Công nhận chủ đầu tư dự án 9 dự án, tăng 9 dự án, gấp 4,5 lần. Chấp thuận đầu tư dự án 24 dự án, tăng 12 dự án, gấp đôi, so với cùng kỳ 2019.

Đồng thời, có ý kiến gửi Sở Kế hoạch Đầu tư về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 45 dự án.

Cuối tháng 10/2020, Sở Xây dựng công bố thêm 10 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, với 9.147 căn, gồm 8.317 căn hộ nhà chung cư và 830 căn nhà thấp tầng, bổ sung thêm nguồn cung nhà ở trong quý 4/2020. 

HoREA nhận định, từ tháng 8/2020 đến nay, cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi trở lại, đi đôi với sự tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản công nghiệp.

Dự báo từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu (cũng là thời điểm vàng) và cả năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, còn nhờ một số cơ chế chính sách mới, như: Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2021. 

Theo báo cáo, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố HCM 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2019. Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản. 

HoREA đánh giá: “Mức này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân".

Cũng theo HoREA, cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản, chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp. 

Đối với thị trường trái phiếu, 9 tháng năm 2020 đã có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 40,3% và chiếm tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một bất cập lớn hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín tương tự như Fitch Ratings, đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp,

“Đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân chiếm đến hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu”, HoREA cảnh báo.

Có thể bạn quan tâm