HoREA: Xây lại chung cũ khi có tối thiểu 80% chủ sở hữu thống nhất

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi Thủ tướng và các bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi hàng loạt luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
HoREA: Xây lại chung cũ khi có tối thiểu 80% chủ sở hữu thống nhất

Theo góp ý mà HoREA vừa gửi Thủ tướng và các bộ, ngành có liên quan (Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường) về sửa đổi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, UBND các tỉnh cần được quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế và cấp phép xây dựng cho công trình có chiều cao tối đa không quá 120m (khoảng 35 tầng).

Tất nhiên, trong trường hợp các tỉnh thành có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng đối với công trình này.

Bên cạnh đó, Điều 114 Luật Nhà ở cũng nên bổ sung thêm nội dung cho phép UBND cấp tỉnh được chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng (cấp C), và nhà chung cư đang trong tình trạng hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn (cấp D)", để xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Quy định 100% chủ nhà thì chung cư cũ mới được phá dỡ để xây dựng lại là trở ngại

Cũng liên quan đến phá dỡ nhà chung cư cũ, HoREA tin rằng quy định hiện nay yêu cầu phải có sự đồng ý của 100% chủ nhà thì chung cư cũ mới được phá dỡ để xây dựng lại là một trở ngại cho chỉnh trang đô thị. Do đó, nội dung này cần sửa đổi theo hướng chung cư sẽ được xây dựng lại khi có tối thiểu bốn phần năm (4/5, khoảng 80%) các chủ sở hữu tại đây thống nhất tại Hội nghị nhà chung cư.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cũng cho hay hiện TPHCM đã có gần 13 triệu dân, với 3 triệu người nhập cư. Và phần lớn trong số đó phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập. Cụ thể, ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM với gần 275.000 công nhân, 2/3 trong đó là người ngoại tỉnh, trong khi mới có 8,5% lao động có chỗ ở tại các khu nhà lưu trú chính quy. Hơn 90% còn lại phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập.

Phần đông trong số 500.000 sinh viên, với 80% là người ngoại tỉnh cũng phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy phần lớn các khu nhà trọ, phòng trọ của hộ gia đình, cá nhân vẫn thiếu thốn tiện ích cơ bản, thiếu an toàn, an ninh.

Trong khi đó doanh nghiệp doanh nghiệp lại không được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê dạng phòng trọ, nhà trọ. Do đó, để tham gia thị trường này, có chủ doanh nghiệp đã phải lấy danh nghĩa cá nhân (ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành) để đầu tư các khu nhà trọ.

 Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên cả nước đang diễn ra quá chậm

Vì vậy, HoREA cho là nếu doanh nghiệp được đầu tư vào thị trường này thì sẽ góp phần tăng nguồn cung phòng trọ có chất lượng với các tiện ích, dịch vụ và an ninh tốt hơn. Từ đó còn tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy các hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh nhà trọ phải nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ cho thuê trọ. Và những nội dung này cần được bổ sung vào khoản 3, Điều 53, Luật Nhà ở 2014.

Tạo điều kiện cho người nước ngoài

Trong một số đề xuất đưa ra, HoREA cho rằng cần điều chỉnh một số điểm của các dự án Luật theo hướng tạo công bằng hơn cho người nước ngoài trong sở hữu và chuyển nhượng nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, quy định hiện nay của Luật Nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài khi xây dựng nhà ở trên đất thuê thì chỉ được quyền cho thuê lại căn nhà này. Người nước ngoài cũng chưa có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu nhà ở như: quyền bán lại nhà ở cho người Việt Nam, hoặc cho cá nhân nước ngoài, mà chỉ được bán lại cho chủ đầu tư. Vì Vậy HoREA tin là cần phải sửa đổi các điểm trên theo hướng cho phép người nước ngoài cũng được bán nhà cho cả người Việt Nam lẫn cá nhân nước ngoài; được bán nhà đang sở hữu trong thời hạn thuê đất.

Ngoài ra, quy định hiện hành giới hạn người nước ngoài không được sở hữu quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư và không quá 250 căn/phường nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liên kế) là chưa thỏa đáng.

Bởi hiện nay tại một số khu vực như Phường Tân Phong (quận 7, TPHCM) hoặc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Thảo Điền, phường An Phú (quận 2, TPHCM), phường Bến Thành (quận 1, TPHCM), đã có rất nhiều người nước ngoài đang cư trú dưới nhiều hình thức như thuê, mua hoặc sở hữu nên vẫn hình thành những cộng đồng người nước ngoài cư trú chiếm tỷ lệ cao trong một chung cư, hoặc một phường.

Vì vậy, HoREA cho rằng nên bãi bỏ giới hạn này, đồng thời giao quyền cho các UBND cấp tỉnh xem xét, tự quyết định tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương.

Có thể bạn quan tâm