Huawei công bố mở OpenLab mới tại Malaysia

Vừa qua, tại Malaysia, Huawei đã công bố mở OpenLab mới để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Huawei công bố mở OpenLab mới tại Malaysia

Ông Guo Ping, Tổng Giám đốc điều hành luân phiên của Huawei, phát biểu về chuyển đổi kỹ thuật số tại sự kiện Ngày Sáng tạo Huawei Châu Á – TBD 2017

Sự kiện này do Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI), Tổng công ty Kinh tế Số Malaysia (MDEC), Hội đồng Kinh doanh Malaysia-Trung Quốc, và Huawei Technologies cùng phối hợp tổ chức.

Sự kiện năm nay tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đặc biệt chú trọng đến các mô hình chuyển đổi kỹ thuật số cho các thị trường mới nổi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các ngành cốt lõi như dịch vụ và du lịch.

Hơn 200 quan chức chính phủ, các chuyên gia công nghệ, các học giả và đại diện của các công ty công nghệ đã từ khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng tham dự Ngày Sáng tạo Huawei Châu Á - Thái Bình Dương (Huawei Asia-Pacific Innovation Day) lần thứ ba, diễn ra tại Kuala Lumpur.

Tại sự kiện này, Huawei đã công bố xây dựng OpenLab mới tại Malaysia, tạo một nền tảng mở, linh hoạt và an toàn cho sự sáng tạo chung với các đối tác bản địa. Huawei đã xây dựng các OpenLab tương tự ở Munich, Mexico, Dubai, Singapore và Trung Quốc. Các phòng lab này sẽ cùng hỗ trợ hợp tác rộng rãi giữa Huawei và hơn 400 đối tác giải pháp trên toàn cầu.

Tại sự kiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành luân phiên của Huawei, ông Guo Ping đã chia sẻ về các giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số khác nhau và những gì các quốc gia có thể tập trung trong mỗi giai đoạn phát triển.

"Tất cả chúng ta đều nghe về Tháp nhu cầu của Maslow. Khi một quốc gia tiến tới số hóa, họ sẽ trải qua một quá trình phát triển tương tự. Tôi sẽ phân chia hệ thống này thành bốn lớp: Thứ nhất là cơ sở hạ tầng ICT, nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số. Thứ hai là bảo mật, cho cả thế giới vật lý và thế giới số. Bảo mật là cần thiết cho sự phát triển xa hơn. Lớp thứ ba là phát triển một môi trường hỗ trợ cho các ngành tiến tới kỹ thuật số. Xây dựng trên một nền tảng vững chắc về bảo vệ sự riêng tư, lớp thứ tư và cao nhất là cho phép chia sẻ thông tin rộng rãi hơn. Nhiều dữ liệu hơn sẽ giúp các thành phố và các chính phủ quốc gia quản lý tốt hơn quá trình số hóa, cuối cùng là thúc đẩy các thành phố an toàn hơn và các quốc gia thông minh hơn", ông nói.

Ông Guo nhấn mạnh rằng đổi mới công nghệ và một hệ sinh thái mở là yếu tố quyết định cho sự thành công của các sáng kiến kỹ thuật số trong khu vực APAC. "Chúng ta cần phải hợp tác rộng rãi hơn và chia sẻ quan điểm trên toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm cả các ngành công nghiệp và các trường đại học trên thế giới. Huawei luôn cam kết với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số và đảm bảo một tương lai được kết nối tốt hơn cho tất cả các bên trong khu vực Châu Á - TBD", ông Guo tiếp tục nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, TS. Ahmad Zahid bin Hamidi cũng bày tỏ sự lạc quan về tương lai của chuyển đổi kỹ thuật số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông khuyến khích tất cả các quốc gia APAC trao đổi nhiều hơn và cùng làm việc chặt chẽ hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững.

Cũng tại sự kiện này, Viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, đã công bố bản Báo cáo Thành phố an toàn trên toàn cầu, một nghiên cứu chi tiết các thành phố an toàn trên toàn thế giới. Kết quả từ bản báo cáo chỉ ra rằng, từ quan điểm cơ sở hạ tầng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn cho thành phố thông minh và phát triển thành phố an toàn. Huawei cũng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình trong việc giúp cho quận Longgang ở Thâm Quyến (Trung Quốc), xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn tại thành phố của mình.

Sự cởi mở, sáng tạo, hợp tác và chia sẻ thành công là những chủ đề chung của sự kiện năm nay. Tony Q.S. Quek, Phó giáo sư của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), đã nói về Chương trình Nghiên cứu Sáng tạo của Huawei, một chương trình tài trợ cho sự sang tạo chung với các trường đại học. Giáo sư Ong Hang See của Đại học Tenaga Nasional (UNITEN) và ông Azral Ibrahim Halmi, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tài nguyên Dầu mỏ Malaysia (MPRC) đã đưa ra những ví dụ điển hình về ngành công nghiệp điện lực và ngành công nghiệp dầu khí tiến tới số hóa như thế nào.

Xue Ding, đồng sáng lập của Ofo đã chia sẻ về mối quan hệ hợp tác của công ty xe đạp này với Huawei, giúp Ofo nhúng các chip Internet of Things (IoT) vào các sản phẩm xe đạp của họ và tận dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp cho người đi xe đạp thêm các dịch vụ cá nhân hóa. Xue cho biết Ofo muốn hợp tác với Huawei và các đối tác khác để xây dựng hệ sinh thái IoT toàn cầu.

Trong sự kiện này, Huawei đã ký các biên bản ghi nhớ (MoUs) với Tập đoàn SME Malaysia, Đại học Malaysia Sabah, Chính quyền bang Terengganu, và CyberSecurity Malaysia, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nghiên cứu khoa học, sáng tạo, nhân tài, trường học thông minh và an ninh mạng. Họ sẽ cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển và đảm bảo sự thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể bạn quan tâm