Huế: Bao giờ... mùa du lịch?

Có một Huế đẹp và buồn trong những ngày tháng sáu sau đại dịch này...
Huế: Bao giờ... mùa du lịch?

Bữa sáng cậu nhân viên khách sạn Romance lễ phép đứng chờ chúng tôi gọi món: “Khách ít nên cô thông cảm, khách sạn không làm sẵn như trước.” Chiều dạo qua mấy con “phố Tây” trước tấp nập rộn rã bao nhiêu thì giờ lặng lẽ bấy nhiêu. 

Tôi đã đến Huế không ít lần, thăm Đại nội, lăng mộ các vua rồi ngồi trên tầng cao khách sạn uống trà ngắm sông Hương vào một sớm tinh mơ. Có lần tôi còn đến thăm nhà vườn của một công chúa triều Nguyễn cùng hai nữ doanh nhân nổi tiếng để nghe hậu dụê của bà “xem” đường đời ra sao...

Thầy ngồi bên chiếc bàn dưới tán cây rợp bóng, căn nhà đang sửa đóng im ỉm, những chiếc thẻ sơn đỏ rực dưới nắng... Không gian thơ mộng của khu nhà vườn khiến tôi nhìn khắp tứ phía, từ căn nhà cổ và bức bình phong màu trắng đến mỗi cái cây trong vườn mà tai vẫn kịp nghe lời thầy phán cho một nữ doanh nhân (dù rằng thầy chả biết chị ấy là ai): “Quẻ này cho thấy người này giàu có tiếng, làm gì cũng lợi. Toàn tự tay làm nên, không động vào nhà đất cũng phí...”

Ra về, tôi mấy lần ngoái lại, căn nhà ấy vườn cây ấy, như còn thấp thoáng đâu đây bóng dáng của Công chúa. Cảnh thiêng cũng vì thế chăng? Rồi một chiều bảng lảng sương sa, lang thang trong Đại nội, dưới một gốc nhãn cổ, tôi nhìn thành quách rêu phong, tưởng tượng cuộc sống vương giả của vài trăm năm trước và bỗng thấy u buồn.

Thành quách lăng tẩm còn đây mà người xưa nay đâu? Hóa ra cả triều đại hơn cả trăm năm cũng chỉ như một cái chớp mắt của lịch sử. Con người thật nhỏ bé làm sao!

Huế khiến người ta đôi khi cũng trở nên trầm mặc như Huế vậy!

Sau dịch, Huế trở nên quá vắng vẻ. Vài ba người khách không đủ làm xao động không gian tĩnh lặng của Đại nội. Mẹ tôi là người lần đầu đến Huế, bà ngỡ ngàng với sơn son thếp vàng, với nhà hát với thủy đình và bị những món ăn phong phú đặc Huế hấp dẫn... Chỗ nào cũng muốn dừng chân chụp ảnh: “Chỉ nghe chưa đủ phải đến tận nơi mới thấy cung vua nhà mình đẹp quá, hơn trên màn ảnh nhiều. Cây xanh thật mát mắt...”

Lên xe điện đi dạo cả vòng quanh Đại nội, cô bé lái xe kiêm hướng dẫn viên tận tình chu đáo và có giọng nói ngọt thương khiến người đàn bà Bắc Bộ mẹ tôi xuýt xoa “con gái Huế dễ thương làm sao!” Bà cứ tiếc mãi đáng lẽ đã đi thăm Huế từ 5 năm trước cùng bạn bè.

Tôi đùa - bố mẹ đi du lịch dịp này là quá chuẩn rồi – vì chính bây giờ Huế mới cần chúng ta, cần khách hơn bao giờ hết! Qủa thực du lịch đang thời gặp khó - khách quốc tế chưa vào được, trẻ em vẫn đến trường, khách du lịch như chúng tôi chỉ lác đác gọi là...

Khu nghỉ dưỡng Lagura, cách Huế có hơn 1 giờ xe chạy, lại vẫn là không khí vắng lặng, yên tĩnh... đến phát buồn! Bù lại, tôi thầm khâm phục con mắt xanh của Hoàng gia Việt đã chọn đây là nơi nghỉ dưỡng và sau này Tập đoàn Banyan Tree sau nhiều lần khảo sát khắp nơi đã quyết định đầu tư vào nơi nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và đậm chất huyền thoại này. Dãy Trường Sơn hùng vĩ một bên và bờ biển Lăng Cô rộng lớn một bên – có thể coi đây là một trong những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhất Việt Nam.

Phải nói thêm rằng Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất trong Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới. Biển ở đây cát trắng nguyên sơ và làn nước màu như ngọc lam quyến rũ. Sáng sớm từ căn nhà chúng tôi ở nghe rõ tiếng chim hót ríu ran, chiều tôi bắt gặp con sóc tinh nghịch chuyền từ cây này sang cây kia thoăn thoắt ngay bãi cỏ vườn sau.

Bố tôi - một kiến trúc sư già, gật gù tâm đắc: “Kiến trúc nơi này giao thoa giữa cổ xưa và hiện đại, phù hợp với miền nhiệt đới xứ mình. Họ giữ cho du khách được sống giữa một không gian trong xanh gần gũi với thiên nhiên hết mức có thể”.

Tôi bắt gặp con sông trong lành và rậm rạp cỏ chảy như bao bọc lấy các tòa nhà rồi tụ lại với một bể bơi lớn hướng ra biển. Đêm yên tĩnh vắng lặng, tôi lững thững đi dọc những khu nhà, thấy lác đác vài ba căn sáng đèn. Cậu bé lái xe điện tên T buồn rầu bảo – “trước đây lượng khách lấp đầy tới 80-90% giờ đìu hiu vậy đó. Bọn cháu có một ngàn nhân viên và đã giảm tới 40% rồi...”.

T là người địa phương làm ở đây ngay từ ban đầu: “Hồi ấy đào núi làm đường vất vả lắm. Nhưng khách quốc tế đến đây khen không tiếc lời”. Cậu chỉ cho tôi biết sân golf 18 lỗ ngay sau căn nhà chúng tôi ở được thiết kế đặc biệt bởi ngài Nick Faldo nổi tiếng...

Trời vẫn còn mờ mờ, chỉ một góc phía đông hừng lên, chúng tôi đi hơn chục cây số qua những bãi cỏ với hoa sim hoa mua lúp xúp, qua những cánh rừng dẻ xanh rì đến bãi biển Cảnh Dương. Những chiếc thuyền mới vào bờ, tôm, cua, cá... tươi roi rói, đậm mùi vị của biển đã lên mẹt, lên gánh và lên xe của các bà các chị.

Bãi biển Cảnh Dương đẹp đến mê hồn. Cát ở đây mịn vàng, rặng núi chạy ngay bên xanh sẫm soi bóng xuống làn nước trong xanh lấp lánh. Núi và biển sinh ra bên nhau từ thuở khai thiên lập địa và vẫn chung thủy bên nhau trong mối tình đẹp làm ngời rạng cả một vùng.

Tôi trong sáng hè khi mặt trời mới khẽ khàng nhô lên, tung tăng chân trần đi giữa làn nước ngập quá mắt cá chân, ngắm núi ngắm biển với cảm giác như đang ở nơi tận cùng thế giới mà biển và núi và trời cùng nhau giao hòa làm nên một cảnh sắc tuyệt vời mà bất cứ ai được chiêm ngưỡng cũng ngây ngất tự hỏi: Thiên đường đẹp cũng chỉ đến như thế này chăng?!

Có thể bạn quan tâm