Hương vị tết: 12 làng nghề truyền thống Hà Nội thích hợp để du xuân

Hà Nội nổi tiếng với rất nhiều làng nghề truyền thống; mỗi làng nghề có một nét đặc trưng riêng. Những làng nghề ấy tạo nên những giá trị văn hóa – nghệ thuật và mua những món quà lưu niệm đậm chất dân tộc.

1. Làng gốm Bát Tràng

Ghé thăm xưởng gốm trong làng, du khách sẽ được giới thiệu từng công đoạn sản xuất ra bình hoa, ấm chén hay các bức tượng sặc sỡ sắc màu. Chợ gốm là điểm đến ấn tượng nhất khi tập trung hàng trăm cửa hàng san sát, bày biện vô số những món đồ gốm khác nhau, tha hồ được sờ, được ngắm từ đồ gia dụng như chén bát, bình vại, lọ hoa cho đến các bức tranh treo tường, chuông gió và vòng cổ… hay những sản phẩm với chủ đề dân gian như lão nông, con trâu, Thị Nở – Chí Phèo từ tượng to cho đến tượng nhỏ, sống động như thật.

2. Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Hà Đông hay còn gọi là làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước.

Từ đầu làng đi vào, dọc hai bên đường là những gian hàng lụa san sát với đủ các thể loại quần áo, túi xách, vải kiện bằng tơ tằm như vân, sa, quế, lụa sa tanh hoa, đũi… đủ màu sắc, hoa văn bắt mắt.

3. Làng mây tre đan Phú Vinh

Làng nghề Phú Vinh ở Gò Đậu, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội, nổi tiếng với nghề mây tre đan có từ khoảng thế kỷ 17.

Đến làng Phú Vinh, du khách sẽ bắt gặp là không khí nhộn nhịp ở làng nghề, ở đây hầu như nhà nào cũng làm nghề mây tre đan, từ các sản phẩm thông dụng như rổ, rá, túi xách, khay, lọ hoa… cho đến những bức tranh đan bằng mây, bàn ghế, giường, tủ, khung ảnh… 

4. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá

Làng Thạch Xá nằm dưới chân núi Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) không chỉ được biết đến với món đặc sản chè Lam mà còn nổi tiếng bởi nghề làm chuồn chuồn tre độc đáo.

Đến làng chuồn chuồn, du khách dường như bị choáng ngợp trước màu sắc bắt mắt, cùng với kiểu dáng to nhỏ khác nhau của những chú chuồn chuồn tre xinh xắn và điều đặc biệt là nó có thể đứng cân bằng được bằng đầu mỏ.

Đặc biệt, nếu có dịp đến với làng nghề Thạch Xá thì các bạn đừng quên ghé thăm chùa Tây Phương – một địa điểm tham quan nổi tiếng ở vùng ngoại thành Hà Nội nhé.

5. Làng hoa Tây Tựu

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, làng hoa Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, nổi tiếng là vùng cung cấp hoa tươi chính cho thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận.

Nơi đây có những cánh đồng hoa bạt ngàn, những bông hoa hồng tô sắc đỏ thắm, hay vàng cam của thược dược, hồng nhạt của hoa ly thật bắt mắt… Ngoài ra nơi đây còn là địa điểm tham quan và chụp ảnh độc đáo của nhiều bạn trẻ.

6. Làng đúc đồng Ngũ Xá

Làng đúc đồng Ngũ Xã thuộc phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội. Nguồn gốc của làng bắt nguồn từ thế kỷ 17. Nghề đúc đồng thời ấy được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa.

Những năm cuối thế kỷ 20, làng Ngũ Xã đúc đồng bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, nghề đúc đồng truyền thống bị thu hẹp thay vào đó là khu phố mới với nhiều dịch vụ ẩm thực nổi tiếng, đặc biệt là món phở cuốn thu hút nhiều nam nữ thanh niên đến và thưởng thức.

Hiện nay, các bạn có thể tham quan các sản phẩm đúc đồng tinh xảo của nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xá tại địa chỉ: 178 Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội.

7. Làng kim hoàn Định Công

Làng kim hoàn Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) là một trong 4 làng nghề kim hoàn truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý.

Trải qua những năm tháng thăng trầm, hầu hết những nghề này đã mai một. Nghề kim hoàn, ở Định Công vẫn còn hai nghệ nhân là ông Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu. Họ vẫn duy trì mở lớp đào tạo tại nhà cho những thanh niên nhiều nơi về học. Các bạn muốn tham quan và mua sắm sản phẩm kim hoàn nơi đây có thể hỏi thăm nhà của 2 nghệ nhân này.

8. Làng nón Chuông – Chương Mỹ

Làng Chuông nằm bên dòng sông Đáy, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội trên 30km, cách Hà Đông khoảng 20km.

Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái; nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nón làng Chuông còn là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa…

Hiện nay, làng Chuông vẫn còn giữ được phiên chợ nón họp 6 phiên/tháng vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón.

9. Làng quạt Chàng Sơn

Quạt Chàng Sơn là sản phẩm có tiếng tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nghề làm quạt ở đây có từ cách đây hơn trăm năm. Ngay từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn đã được người Pháp đem đi triển lãm tại thủ đô Paris.

Đặt chân đến làng Chàng Sơn là nhìn thấy cảnh tấp nập sản xuất, buôn bán các mặt hàng quạt giấy như hầu hết những làng nghề quạt giấy khác. Nhưng khi bước vào nhà người làm quạt có tiếng trong làng, du khách mới thấy không khí làm quạt nhộn nhịp, những chiếc quạt đầy màu sắc, với đủ loại chất liệu, từ quạt giấy, quạt lụa, đến quạt tre… Từ những nguyên liệu cơ bản như tre, giấy, vải… người dân nơi đây đã biết cách sáng tạo để tạo ra những chiếc quạt độc đáo để làm quà, để trang trí….

Ngoài ra bàn tay tài hoa của người thợ Chàng Sơn còn lưu dấu trên một số công trình nổi tiếng của Việt Nam như: kiến trúc gỗ chùa Tây Phương, 18 pho tượng La hán chùa Tây Phương, Văn Miếu Quốc Tử Giám…với nhiều nghề truyền thống:

Nghề mộc, chạm truyền thống
Nghề múa rối nước, làm rối nước
Nghề làm tượng gỗ, tượng Phật
Làm quạt nan, quạt giấy…
Đồ nông nghiệp: gàu tát nước, đòn gánh, thúng, mủng, long, nia…
Khắc bàn in, làm nhà, làm đình, chùa…

10. Làng rối nước Đào Thục

Làng Đào Thục hay phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay.

Đến làng Đào Thục, du khách không chỉ được thưởng thức các tiết mục múa rối đặc sắc, nhưng làn điệu dân ca mượt mà còn được dẫn đi tham quan tìm hiểu lịch sử hình thành của nghề mùa rối nước, theo văn bia ở đình làng có ghi rằng ông tổ nghề múa rối nước ở đây là ông Nguyễn Đăng Vinh làm chức Nội giám thời nhà Lê (1735 – 1940).

Sau khi trở về làng, ông đã truyền dạy lại cho con cháu ba nghề: Dệt vải, làm mộc và múa rối nước. Đến nay, làng Đào Thục chỉ còn gìn giữ và phát triển được nghề múa rối nước. 

11. Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá

Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu….

Trong chuyến tham quan làng nghề, du khách đến nhà ông Đào Văn Soạn, một người làm nghề lâu năm ở đây. Trong nhà ông có đủ các loại nhạc cụ từ nhị, thập, tam đến tỳ bà, loại gì cũng có. Ông cho biết: Nghề làm đàn đã gắn bó từ đời ông nội của ông, cho đến nay cũng khoảng hơn 200 năm. Nhưng điều làm nhiều người ngạc nhiên hơn cả là những người làm nghề nhạc cụ nhưng không ai có kiến thức về âm nhạc mà lại làm ra được những cây đàn với âm hưởng trầm bổng khác nhau. Trước đây làng Đào Xá, có rất nhiều hộ gia đình làm nghề này, nhưng giờ đây thì còn lại ít lắm.

12. Làng nghề thêu ren Quất Động

Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Nghề thêu Quất Động có khoảng gần 400 năm, từ giữa thế kỷ XVII, do Lê Công Hành truyền dạy nghề.

Đến làng Quất Động, du khách được tìm hiểu các công đoạn thêu từ vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hàng thêu. Nhìn những người thợ ở đây thao tác thật khéo léo, điêu luyện, cũng muốn tự mình thêu thử, nhưng khi đưa từng mũi kim lên xuống cho thật mịn, thật đều mới thấy nó khó như thế nào.

Có thể bạn quan tâm