Hút vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Dòng tiền chảy vào thị trường trái phiếu gần đây có hiện tượng tăng nhẹ khi xuất hiện khá nhiều thông tin về các đợt phát hành trái phiếu của những doanh nghiệp có quy mô vốn tương đối lớn.
Hút vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Doanh nghiệp mặn mà với trái phiếu

Công ty chứng khoán Rồng Việt có kế hoạch huy động 300 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2016; Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất Thống Nhất lên kế hoạch phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi; Công ty chứng khoán VNDIRECT dự kiến huy động 600 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2016 hoặc năm 2017; Công ty chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS) dự kiến huy động 500 tỷ đồng trái phiếu; CtyCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự kiến sẽ phát hành tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu đợt 2 năm 2016.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cũng đã phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như ACB đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, NHTMCP Phương Đông (OCB) phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu.

Vietcombank mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2016. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn trung và dài hạn, thay vì tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu như: Công ty cổ phần Nam Long phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, Công ty cổ phần Thành Thành Công Tây Ninh phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu...

Theo giới chuyên môn, trong bối cảnh hiện nay, tư duy huy động vốn của các doanh nghiệp đã dần thay đổi theo hướng không thể dựa dẫm mãi vào hệ thống ngân hàng, mà các doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm và lựa chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

So với việc doanh nghiệp huy động vốn qua ngân hàng thì khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường những ưu điểm riêng, chẳng hạn như thời gian đáo hạn thường dài hơn so với vay vốn ngân hàng, lãi suất thường cố định trong suốt quá trình vay, rất thuận lợi cho những doanh nghiệp đầu tư cho các dự án dài hạn. Chi phí liên quan đến việc phát hành TPDN đều được trừ thuế, giúp giảm bớt gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu theo 02 hình thức là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với phát hành riêng lẻ thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP; việc phát hành trái phiếu ra công chúng thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn.

Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể từ khi Nghị định 90 có hiệu lực thi hành cho đến tháng 6/2016 đã có 347 đợt đăng ký phát hành TPDN theo hình thức riêng lẻ tại thị trường trong nước với khối lượng đăng ký phát hành đạt 276.792 tỷ đồng, trong đó có 252 đợt phát hành với khối lượng phát hành thực tế đạt 185.543 tỷ đồng.

Dư nợ TPDN phát hành trong nước đến thời điểm hiện tại là 144.472 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 4,85 năm. Các nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu nắm giữ đến ngày đáo hạn và rất ít giao dịch trên thị trường thứ cấp. Đối tượng phát hành TPDN ngày càng đa dạng gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các tổ chức tín dụng.

Việc huy động vốn thông qua phát hành TPDN cũng chuyên nghiệp hơn, doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu thông qua một tổ chức tài chính trung gian, vì thế các đợt phát hành trái phiếu về cơ bản đều đạt 100% kế hoạch đề ra. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song nhìn về tổng thể, quy mô của thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế và so với quy mô thị trường của các nước trong khu vực.

Tính đến thời điểm tháng 6/2016, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 3,5% GDP (thấp hơn nhiều so với mức bình quân gần 22% GDP của các nước trong khu vực), trong đó 99% TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ. Tính thanh khoản của thị trường còn hạn chế, nhà đầu tư chủ yếu là NHTM nên thị trường TPDN còn phụ thuộc vào cầu đầu tư của các NHTM.

Cần một thị trường minh bạch

Về thông tin thị trường, tuy khuyến khích việc minh bạch hóa nhằm bảo vệ nhà đầu tư, song theo quy định hiện hành chỉ khi phát hành đại chúng mới phải công bố thông tin (CBTT), trong khi đó chủ yếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu là riêng lẻ. Hoạt động thống kê quy mô thị trường sau phát hành TPDN còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động trên thị trường giao dịch TPDN chưa được đẩy mạnh khi đa phần TPDN được nhà đầu tư nắm giữ cho đến khi đáo hạn, nên thị trường thứ cấp hầu như không có giao dịch.

Điều này dẫn đến số mã trái phiếu được niêm yết và giao dịch trên cả 2 SGDCK còn thấp. Số liệu giao dịch trên 2 SGDCK được HNX thống kê cho thấy, thanh khoản của TPDN trên thị trường thứ cấp thấp.   Vì giao dịch TPDN chủ yếu được thực hiện trao tay (OTC), chưa có quy định báo cáo và cũng không có số liệu thống kê chính thống khiến việc nắm tình hình thị trường rất khó khăn. Mặt khác, TPDN không lưu ký tập trung, được gắn mã có tính tự phát khiến cho việc theo dõi chung không dễ dàng.

Một lý do nữa khiến cho thị trường TPDN Việt Nam còn kém phát triển là do cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chưa hợp lý, đa phần vẫn chủ yếu là các NHTM trong nước (Xem Bảng 1). Các quỹ đầu tư hiện còn đóng vai trò rất nhỏ. Nhà đầu tư cá nhân chưa có cơ chế để tiếp cận thị trường TPDN. Các quỹ hưu trí tự nguyện chưa có trên thị trường. Quỹ bảo hiểm xã hội cũng chưa tham gia.

Bảng 1: Cơ cấu trái chủ phân loại theo nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giai đoạn 2013-2015

  NHTM Quỹ đầu tư CTCK CTBH Cá nhân Khác Tổng
Trong nước 73,24% 2,57% 15,21% 0,80% 1,87% 6,31% 100%
Nước ngoài 2,28% 41,56% 21,51% 0,00% 0,00% 34,65% 100%

Nguồn HNX Trong khi đó, thành viên tham gia thị trường TPDN tại các nước trên thế giới lại rất đa dạng, bao gồm các quỹ phúc lợi nhà nước (sovereign welth fund), quỹ đầu tư trái phiếu (fixed income fund), các quỹ của công ty bảo hiểm nhân thọ (life insurance fund management), các NHTM, các nhà đầu tư cá nhân thông qua các ngân hàng phục vụ khách cao cấp (private banking)...

NHTM tại các nước có thị trường TPDN phát triển chủ yếu đầu tư vào TPDN nhằm mục đích kinh doanh, tạo lập thị trường, chứ không mua TPDN để đợi đến đáo hạn. Trong khi đó, tại Việt Nam, NHTM cũng được coi là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường TPDN nhưng TPDN lại được các NHTM xếp vào nhóm tín dụng nên rất ít giao dịch mua bán được thực hiện.

Đồng thời, cấp tín dụng là nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ, còn phát hành, đầu tư TPDN lại là hoạt động trên thị trường vốn... Chính vì nhìn nhận chưa đúng bản chất như vậy nên dẫn đến sức cầu trên TPDN vốn đã hạn chế lại càng yếu kém hơn. Ngoài lý do hệ thống nhà đầu tư đơn điệu, sức cầu hạn chế, thì hiện nay ở Việt Nam chưa có hệ thống các tổ chức định mức tín nhiệm doanh nghiệp chuyên nghiệp, cũng chưa có thị trường TPDN tập trung.

Nhà đầu tư không thể tự mình đánh giá được định mức tín nhiệm của TPDN để trên cơ sở đó đánh giá được mức độ rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư, do đó dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia vào thị trường TPDN. Trong khi đó, ở các thị trường TPDN trên thế giới, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chỉ cần dựa trên cơ sở thông tin đầy đủ, tức là kể cả doanh nghiệp lỗ cũng có thể huy động được vốn từ kênh TPDN miễn là thông tin mà doanh nghiệp đưa đến cho các nhà đầu tư phải minh bạch để nhà đầu tư tự quyết định đầu tư.

Các thị trường ở các nước cũng ghi nhận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng, thường sử dụng phương thức bảo lãnh. Ngoài ra, họ cũng rất quan tâm đến sự liên kết giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, có đăng ký về giao dịch, mã trái phiếu để kiểm tra, theo dõi...

Mai Hạ

Có thể bạn quan tâm