IFC chính thức không còn là cổ đông lớn của Vietinbank

Tỷ lệ sở hữu của nhóm IFC đến nay đã giảm xuống 4,99%, chính thức không còn là cổ đông lớn của Vietinbank từ 10/1.
IFC chính thức không còn là cổ đông lớn của Vietinbank

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation) và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) vừa thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Theo đó, nhóm IFC vừa hoàn tất bán ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG, trong đó, IFC bán ra hơn 18,9 triệu cổ phiếu và IFC Capitalization bán ra 36,8 triệu cp. Sau giao dịch, nhóm IFC chỉ còn nắm 185,8 triệu cổ phiếu CTG, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vietinbank từ 6,486% xuống còn 4,99%.

Trong đó, IFC chỉ còn sở hữu 60,9 triệu cổ phiếu VietinBank, tương đương tỷ lệ 1,636% vốn; IFC Capitalization sở hữu 124,9 triệu cổ phiếu, tương đương 3,354% vốn.

Trước đó, trong ngày 13/11/2019, nhóm cổ đông IFC cũng thông báo hoàn tất bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG, trong đó IFC bán ra 18,15 triệu cổ phiếu và IFC Capitalization bán ra gần 39,23 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại Vietinbank giảm từ 8,027% xuống còn 6,486%.

Trên thực tế, IFC đã có ý định thoái bớt vốn khỏi Vietinbank theo nguồn tin của Bloomberg cách đây hơn một năm. Từ năm 2018, IFC đã làm việc với nhà tư vấn về việc bán 8% cổ phần nắm giữ tại ngân hàng.

IFC có ý định thoái vốn tại Vietinbank từ năm 2018
IFC có ý định thoái vốn tại Vietinbank từ năm 2018

Được biết, nhóm IFC đầu tư vào Vietinbank từ năm 2011, sau khi mua 168 triệu cổ phiếu với giá ban đầu là 21.000 đồng/cp và tiếp tục mua thêm gần 34 triệu cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp.

2 năm sau, IFC tiếp tục nâng sở hữu lên gần 299 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng. Như vậy sau gần 9 năm đầu tư, IFC đã không còn là cổ đông lớn tại Vietinbank.

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Vietinbank, NHNN đang sở hữu 64,46% cổ phần. Ngân hàng của Nhật Bản – MUFJ sở hữu 19,73%.

Về kết quả kinh doanh năm 2019, riêng ngân hàng mẹ Vietinbank lãi gần 11.500 tỷ đồng. Do hạn chế về vốn, tín dụng tăng trưởng hơn 7%, bằng một nửa mức bình quân ngành. Kết thúc năm 2019, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,2%, giảm so với mức 1,59% vào cuối năm 2018.

Năm 2020, sau khi đã tính đến phương án giữ lại lợi nhuận hai năm để tăng vốn, Vietinbank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8-10%, nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 10%.

Có thể bạn quan tâm