IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,5%

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do tác động của xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác đã lan ra phạm vi toàn cầu.
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,5%

Ngày 21/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo đối đầu thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), cùng những bất ổn khác đang có nguy cơ khiến tăng trưởng toàn cầu bị giảm sâu hơn nữa.

Theo báo cáo, IMF đã hạ mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,5%, từ 3,7% hồi tháng 10/2018. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 là 3,6%.

IMF cảnh báo trong bối cảnh đà tăng đã đi qua mức đỉnh, các nguy cơ đang kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống, các chính sách cần tập trung vào việc ngăn ngừa tình trạng tăng trưởng giảm sâu thêm.

Một số nền kinh tế lớn cũng bị IMF hạ dự báo tăng trưởng mạnh như Đức, Italy và Mexico. Tại Đức, tiêu chuẩn khí thải mới đã tác động lớn đến tiêu dùng cá nhân. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Pháp chỉ bị giảm nhẹ bất chấp các cuộc biểu tình Áo vàng đang xảy ra. 

Đáng chú ý, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc lại không bị hạ dự báo. Đây cũng là hai quốc gia tạo ra nhiều nguy cơ nhất với tăng trưởng toàn cầu.

Dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới lần lượt là 2,5% và 1,5%. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong hai năm này được dự báo đều ở mức 6,2%.

IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 đối với Saudi Arabia và khu vực do giá dầu thấp cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng. Đối với Saudi Arabia, IMF hạ dự báo từ mức 2,4% xuống còn 1,8%. Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2019 đối với khu vực gồm Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và Pakistan thêm 0,3% điểm, xuống còn 2,4%.

Theo IMF, tăng trưởng sản lượng dầu thấp, điều kiện hỗ trợ tài chính ngặt nghèo tại Pakistan, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, cùng các căng thẳng địa chính trị khu vực là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này. 

IMF nhận định trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đã bị suy yếu bởi các biện pháp thuế quan đối với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau, kinh tế thế giới càng trở nên dễ bất ổn với những nguy cơ khác. 

Một mối quan ngại khác là nguy cơ tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc mạnh, qua đó tác động lớn đến toàn bộ khu vực châu Á. Cho tới nay, biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc đã giúp giảm nhẹ được ảnh hưởng của tranh chấp thương mại.

Tháng 10/2018, IMF cũng đã hối thúc Mỹ và Trung Quốc đàm phán để tìm ra giải pháp không làm suy yếu nền kinh tế.

Theo IMF, trọng tâm chính sách của hai nước phải là hợp tác và giải quyết nhanh chóng các bất đồng thương mại, thay vì tăng thêm hàng rào thuế quan, gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm lại.

Ngoài những nguy cơ về thương mại, các tác nhân bất ổn chính trị khác như việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần và nguy cơ Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận cũng sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm