IMF: Những quốc gia theo chủ nghĩa đơn phương đối mặt tương lai u ám

Ngày 5/12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo những quốc gia theo chủ nghĩa đơn phương và không thích ứng với tình hình kinh tế mới có nguy cơ đối mặt với tương lai "u
IMF: Những quốc gia theo chủ nghĩa đơn phương đối mặt tương lai u ám

Đây cũng là lời kêu gọi mà người đứng đầu IMF một lần nữa gửi tới các chính phủ, đặc biệt là Mỹ, nhằm đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ và xu thế đối đầu trên thế giới.

Phát biểu tại Thư viện Quốc hội Mỹ, bà Lagarde đánh giá cao vai trò lãnh đạo chủ chốt của Mỹ trên thế giới, đồng thời gửi tới thông điệp cần phải hợp tác kinh tế toàn cầu.

Bà Lagarde nhắc nhở các nhà lãnh đạo thế giới ghi nhớ bài học từ cuộc Đại suy thoái toàn cầu xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời nhấn mạnh: "Hợp tác quốc tế là điều tất yếu."

Quan điểm trên ngược lại với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump.

Bà Lagarde cảnh báo những chính sách như vậy có nguy cơ dẫn đến “một thời đại nổi giận,” khi đó bất bình đẳng tăng cao và hàng triệu người bị gạt bỏ sẽ bất mãn và tức giận.

Để tránh viễn cảnh u ám, Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nước thích ứng với thực tế mới, chống tham nhũng và cải cách hệ thống thu thuế. Điều này sẽ giúp giải phóng các nguồn lực nhằm cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Bà Lagarde cũng đề xuất khắc phục những thiếu sót trong hệ thống thương mại nhằm giảm căng thẳng, trong đó có việc loại bỏ trợ cấp và bảo vệ quyền sở hữu công nghệ, vốn là những vấn đề ông Trump chỉ trích lâu nay.

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và một số nước đối tác đang diễn ra mà IMF cho rằng sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong một báo cáo mới đây, IMF cảnh báo mức độ tác động của tình trạng gia tăng căng thẳng thương mại tới tăng trưởng toàn cầu nghiêm trọng hơn nhiều so với những quan ngại từng được đưa ra.

IMF đánh giá các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, và Khu vực đồng tiền chung châu Âu trên thực tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Thể chế tài chính này cũng khuyến cáo các mức thuế mà Mỹ đe dọa áp dụng đối với ôtô nhập khẩu từ tất cả các quốc gia (ngoại trừ Canada và Mexico) nếu có hiệu lực có thể "thổi bay" 0,75% Tổng GDP toàn cầu trong ngắn hạn.

Các hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục thu hẹp nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết hiện thực hóa lời đe dọa này và kích động những quốc gia khác có biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Theo Vietnamplus

Có thể bạn quan tâm