JVE “muốn” cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá – Tâm linh”

Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt đã cùng đối tác là một trong những Tổng thầu lớn nhất Nhật Bản xây dựng đề án “Giải pháp tổng thể” để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn Nhật.
JVE “muốn” cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá – Tâm linh”

Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, ngày 15/9, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Thu gom nước thải; Cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; Xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; Xử lý tầng bùn đáy; Xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; Thoát nước chống ngập khi mưa bão; Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; Phát triển du lịch...

Với mục tiêu “tích cực triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước... ”, JVE đã cùng đối tác là một trong những Tổng thầu lớn nhất Nhật Bản xây dựng đề án “Giải pháp tổng thể” để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

"Phạm vi dự án đề xuất không chỉ đơn thuần xử lý môi trường mà còn có nội dung hết sức quan trọng là xây dựng hệ thống cảnh quan “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”.

Đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Hệ thống khổng lồ đặt ngầm bên dưới lòng sông Tô Lịch tương tự như hệ thống chống ngập khổng lồ tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản", ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE cho hay.

Được biết, trong thời gian tới, JVE sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án trên.

Ngoài ra, dự án sẽ lắng nghe mọi ý kiến đóng góp khách quan của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến các vấn đề về dữ liệu lịch sử, văn hoá liên quan; vấn đề xử lý nước thải; vấn đề thoát lũ chống ngập... với cùng một mục tiêu chung là làm “sống lại” và “hồi sinh” dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Trước đó, trong hội thảo khoa học “giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch” cuối năm 2019, một cựu lãnh đạo của công ty Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất ý tưởng tương tự khi sông Tô Lịch sẽ nối với hồ Tây.

Sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay) trở thành giao thông đường thủy. Các cầu trên sông sẽ cải tạo thành cầu vòm bằng dầm bê tông cốt thép chịu ứng lực.

Du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây, đến đền Voi Phục, chùa Láng… Ngoài ra, 2 bờ sông Tô Lịch sẽ có nhiều nhà chờ xuống thuyền sát với các bến xe buýt hiện nay. Các nhà chờ này được xây dựng kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn...

Có thể bạn quan tâm