Khát vọng không của riêng ai

Những ngày cuối đông qua rất mau, mùa xuân đến rất nhanh, mang niềm vui mới, ánh sáng tươi mới đến cho mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp đang hoạt động trên đất nước Việt Nam và thế giới nói chung.
Khát vọng không của riêng ai

Năng lượng mới, sức sống mới tràn đầy với khát vọng tiến lên phía trước của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp tựu trung lại trở thành khát vọng của cả một dân tộc, một đất nước.

Một năm cũ qua đi (2020) đầy biến động với nền kinh tế Việt Nam và thế giới, kinh tế toàn cầu đổ gẫy, suy thoái, đại khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Kinh tế Việt Nam cũng trải qua những tháng ngày ảm đạm nhất bởi chịu tác động kinh khủng của đại dịch, tác động của biến đổi khí hậu, của bão lụt chưa từng có, xoá sạch kinh tế của 6 tỉnh miền Trung Việt Nam.

Mọi cố gắng của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính trị cũng chỉ kéo lại một phần nhỏ của tổn thất. Chỉ số tăng trưởng (GDP) là số (+) khoảng 1.8%-2%/ trên năm không nói lên điều gì bởi thực tế tổng thu nhập của xã hội đạt hơn 340 tỷ đô la mỹ, tính bình quân đầu người với 100 triệu dân vào khoảng 3.400 USD/năm. Con số cực kỳ khiêm tốn so với các nước có thu nhập trung bình và các nước đang phát triển.

Trong phiên họp đại hội đồng liên hợp quốc phiên họp tháng 11 cuối năm 2020, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thông báo với người dân trong nước và thế giới biết rằng: Việt Nam sẽ thực hiện được kế hoạch đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, kinh tế đạt bình quân đầu người hơn 10.000 USD/ năm; Khoa học công nghệ sẽ trở thành một trong những nước hàng đầu của thế giới. Đây là khát vọng của cá nhân người đứng đầu đất nước hay khát vọng của cả dân tộc?

Khẳng định rằng đây là khát vọng của người Việt, khát vọng của dân tộc từ khi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập năm 1945, thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Khát vọng này đã và đang lưu chuyển trong dòng máu của mỗi người dân cho đến nay và sẽ không dừng lại.

Nhìn lại sau 30 năm đổi mới (1990), từ thu nhập 200 USD/năm và hôm nay, những ngày cuối năm 2020 chúng ta chỉ đạt 3.400USD/năm. Nhìn số liệu thực tế, cứ mỗi 10 năm chúng ta mới tăng được 1.000 USD. Vấn đề đặt ra cho khát vọng 25 mùa xuân tới tính trung mỗi năm theo con số cơ học Việt Nam thu nhập bình quân đầu người phải tăng lên trên dưới 250 USD/năm. Bảo đảm chỉ số GDP không dưới 7%/năm. Nếu đạt như vậy thì năm 2045 tổng thu ngân sách sẽ xấp xỉ 1.100 tỷ đô la Mỹ.

Vấn đề đặt ra và giải pháp nào hữu hiệu nhất cho an ninh kinh tế, chính trị của Việt Nam giai đoạn mới. Sau 30 mùa xuân sống nơi xứ người và trở lại Việt Nam đầu tư, kinh doanh, sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau, người viết đã trải nghiệm được nhiều góc cạnh trong cuộc sống qua công việc thực tế và va chạm cụ thể với luật pháp, nghị định, quyết định của các cấp có thẩm quyền ban hành trong gần 30 năm.

So sánh, đối chiếu với các nước phát triển trên thế giới và với nội tại của Việt Nam, người viết nhận thấy rằng muốn phát triển như mong muốn thì điều đầu tiên và tiên quyết Việt Nam phải có một chính sách, cơ chế, luật pháp phù hợp cho điều kiện của Việt nam và theo thông lệ của thế giới đã phát triển. Bởi lẽ Việt Nam đã tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu, đã ký kết các hiệp định thương mại với hầu hết các nước trông nội khối, trong liên minh Châu Âu, khối xuyên Thái Bình Dương.

Ngoài ra Việt Nam đã ký các hiệp ước song phương với nhiều nước lớn có kinh tế ảnh hưởng tầm vĩ mô... Những điều đó bắt buộc Việt Nam phải tuân thủ và thực hiện theo các cam kết đã ký.

Muốn đạt được khát vọng sau 25 mùa xuân như người đứng đầu Đảng, nhà nước đã tuyên bố, gánh nặng này sẽ là áp lực cực lớn đè trên vai mỗi mùa xuân, trên vai mỗi doanh nghiệp từ cá thể cho đến công ty, tập đoàn trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Sức mạnh của họ là tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo sản phẩm có giá trị cao trên thị trường nội địa cũng như thì trường quốc tế.

Cuộc chơi lớn và cạnh tranh lớn bùng nổ, nó sẵn sàng nuốt gọn những doanh nghiệp yếu thế, những doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch, những sản phẩm không đáp ứng được tiêu chí sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp và dân doanh luôn có khát vọng làm giầu, người lao động muôn mong được trả lương cao, được làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh, được bảo đảm sức khoẻ tốt nhất.

Cả guồng máy xã hội tiến về phía trước, hướng đến tương lai tốt đẹp. Nếu khát vọng này chỉ có cộng đồng xã hội điều chỉnh và tiến lên nhưng bộ máy công quyền thì chây ỳ, bảo thủ, quan liêu, luôn muốn ngồi không hưởng lợi, tham nhũng tràn lan thì khát vọng nhỏ hơn hoặc chỉ 50% như tuyên bố của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước cũng không bao giờ hoàn thành. Khát vọng chỉ là trên giấy và nói mang tính động viên, cổ vũ.

Thời gian của 25 năm, của 25 mùa xuân nói dài hay ngắn chỉ là ý niệm trong mỗi người. Nhưng nó đi rất nhanh và không đợt chờ ai. Muốn lấp đầy khoảng trống này phải bằng chính sách, bằng pháp luật thông thoáng, tốt đẹp để tạo đà cho doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng xã hội thực hiện. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tối thượng, là thước đo giá trị của chính sách do cấp có thẩm quyền ban hành và giá trị thực của những người đang ngồi vào vị trí lãnh đạo để làm chính sách có đủ Tài, Tâm, Tầm hay không.

Nguyễn Hoài Bắc - Việt Kiều Canada
Chủ tịch Tập đoàn Đại Sơn

Có thể bạn quan tâm