Khát vọng “Make in Vietnam”: Nhìn từ cuộc “đại đầu tư” công nghệ từ nước ngoài

Tích cực thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời kiểm soát dịch Covid-19 tốt khiến dòng vốn FDI đổ về Việt Nam nhiều hơn. Nhưng trước làn sóng mang theo những “tinh tuý” này, Việt Nam sẽ làm gì để hiện thực hoá khát vọng “make in Vietnam”?
Khát vọng “Make in Vietnam”: Nhìn từ cuộc “đại đầu tư” công nghệ từ nước ngoài

Khi thông điệp “Make in Việt Nam” ra đời, nhiều người cho rằng đó là một cách “chơi chữ”, một lời hiệu triệu mang tính tuyên truyền của Bộ Thông tin & Truyền thông. Xét về bản chất, “make in Vietnam” hay “made in Vietnam” đều mang lại một kết quả: tạo ra những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi  xét về tương lai lâu dài của một nền công nghiệp công nghệ cao “đậm bản sắc” Việt Nam thì lại có nhiều sự khác biệt.

Nếu trước đây, Việt Nam mong muốn trở thành công xưởng của thế giới - chưa thể quan tâm nhiều đến “xuất xứ” của công nghệ, chỉ cần tỷ lệ nội địa hoá ở Việt Nam càng cao càng tốt thì giờ đây, mong ước ấy muốn được nâng tầm, chuyển dịch từ gia công sang chế tạo để chủ động tạo ra những sản phẩm đậm chất trí tuệ Việt Nam.

Chính vì vậy, khi Samsung khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, dường như đã đánh dấu cột mốc mới cho sự đầu tư cũng như “gắn bó” của chaebol này tại Việt Nam. Mục tiêu của Samsung khi xây dựng dự án này rất rõ ràng: nâng tầm năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam trong nghiên cứu AI, IoT, Big Data, mạng 5G... Thông qua dự án, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của tập đoàn này. Giá trị của dự án này với nền kinh tế và xã hội là rất lớn khi quy mô nhân lực của dự án lên đến 3.000 người.

Nhưng chính điều này đã và đang tạo nên áp lực mới cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là một câu hỏi vẫn còn nhiều bỏ ngỏ: các kỹ sư được nâng tầm này cùng công nghệ cốt lõi trong các cuộc nghiên cứu trong trung tâm này sẽ trở thành tiền đề cho Việt Nam tạo nên những sản phẩm của người Việt?

Năm 2018, Samsung đã vượt mốc 1 tỷ sản phẩm công nghệ cao “made in Vietnam”, bao gồm điện thoại thông minh, điện thoại cơ bản, máy tính bảng và thiết bị đeo thông minh, doanh thu từ việc sản xuất các thiết bị này cũng đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng. Năm 2019, con số này tăng lên 1,6 triệu tỷ đồng, tương đương với 26% GDP của Việt Nam. Theo bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, kể từ năm 2017, các công ty trực thuộc Samsung Electronics chính là những đơn vị đứng ở vị trí độc tôn. Và khi so sánh, doanh thu của các công ty này vượt xa các tập đoàn lớn như PVN, EVN hay Viettel.

Không chỉ có Samsung, Tập đoàn Pegatron của Đài Loan đã xác nhận đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam chia theo giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, số tiền đầu tư chỉ khiêm tốn ở 19 triệu USD nhưng giai đoạn 2, con số này đã lên 481 triệu USD. Dự án này sẽ sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch) cung ứng cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.

Bước vào giai đoạn 3, Petragon dự kiến đầu tư 500 triệu USD và thể hiện rõ ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam vào thời điểm phù hợp. Petragon là 1 trong 3 nhà sản xuất iphone lớn nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Không chỉ vậy, còn rất nhiều thông tin để ngỏ cho thấy Microsoft, Google sẽ sản xuất sản phẩm tại Việt Nam. Điều này rất tốt để giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Nhưng dường như, các làn sóng đầu tư FDI này đang tạo ra những “giấc mơ” mang tên “made in Vietnam”. Bởi ngay khi Petragon tỏ rõ ý định rút khỏi Trung Quốc, chuyển dần hoạt động sang Việt Nam thì đã có nhiều lời đồn đoán và sự hy vọng về khả năng iphone sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Trước làn sóng này, nếu Việt Nam không thực sự chủ động nắm bắt tinh hoa của các công nghệ cốt lõi kèm theo sự định hướng của Chính phủ thì khả năng “made in Vietnam” có ngày càng hiện hữu và khát vọng “make in Vietnam” thực sự mãi chỉ là khẩu hiệu?

Có thể bạn quan tâm