“Khéo” như... Hoàng Anh Gia Lai

Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) vừa công bố nghị quyết thông qua phương án chuyển số dư nợ cho vay và nợ phải thu của CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần.
“Khéo” như... Hoàng Anh Gia Lai

Xử lý ý kiến kiểm toán trong... 1 nốt nhạc

Số lượng cổ phần chuyển đổi là hơn 586,5 triệu cổ phần. Tổng giá trị cổ phần chuyển đổi theo mệnh giá gần 5.866 tỷ đồng, tương ứng với số dư nợ cho vay và phải thu chuyển đổi.

Tại ngày 30/6, tổng khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng của HAGL là 10.800 tỷ đồng, trong đó Chăn nuôi Gia Lai chiếm tới 6.081 tỷ đồng.

Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn 1.100 tỷ đồng và hơn 4.169 tỷ đồng cho vay dài hạn. HAGL cũng còn khoản phải thu ngắn hạn hơn 17 tỷ đồng; các khoản phải thu khác bao gồm lãi cho vay 16,8 tỷ đồng; cho mượn tạm 8,8 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng tiền chi trả hộ cho Chăn nuôi Gia Lai. Đặc biệt, khoản phải thu dài hạn khác chủ yếu là lãi cho vay lên tới 560 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính soát xét bán niên, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết đã không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng để xác định được khả năng thu hồi các khoản dư nợ tồn đọng tại ngày 30/6 với giá trị lên đến 7.300 tỷ đồng (tăng 29% so với con số 5.670 tỷ đồng hồi đầu năm).

Giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, HAGL cho rằng mặc dù giá trị các vườn cây chưa được định giá cao do cây đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, nhưng tiềm năng tạo ra dòng tiền để trả nợ cho tập đoàn rất lớn.

"Chúng tôi tin rằng các tài sản của các công ty này đủ khả năng tạo ra dòng tiền đảm bảo khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Các số liệu định giá chỉ mang tính thời điểm và nhằm mục đích tham khảo hơn là giá trị giao dịch", tổng giám đốc HAGL giải trình.

Động thái chuyển đổi từ nợ vay thành vốn góp của HAGL ngay sau khi kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về các khoản nợ của doanh nghiệp đã khiến nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự nghi ngại.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư lâu năm, về bản chất động thái chuyển nợ khó đòi thành vốn góp chỉ là một “thủ thuật” làm đẹp báo cáo tài chính chứ không thể thay đổi được tình trạng của chất lượng tài sản.

”Vốn dĩ một công ty không trả được nợ đồng nghĩa với việc giá trị của công ty đó gần như không có gì, còn đối với công ty “chủ nợ” sẽ làm giảm mạnh khoản phải thu từ đó thể hiện sự tích cực trên báo cáo từ đó thu hút nhà đầu tư chứng khoán”, vị này cho biết.

Khéo chuyển quyền sở hữu

Chăn nuôi Gia Lai được thành lập năm 2014 với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ trồng trọt (hồ tiêu), dịch vụ chăn nuôi, chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, sản xuất thức ăn gia súc, nuôi trâu bò dê cừu và các sản phẩm kèm theo...

Trong công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất vào ngày tháng 6/2020, công ty này đã sung thêm ngành nghề chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn. Sau khi đi vào hoạt động, Chăn nuôi Gia Lai nhanh chóng trở thành “con nợ” lớn của HAGL.

Tính đến cuối năm 2019, lỗ lũy kế của Chăn nuôi Gia Lai đã lên đến hơn 6.100 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức 787 tỷ đồng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2019 lần lượt là 2.241 tỷ và âm 5.314 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Chăn nuôi Gia Lai từng là công ty liên kết do CTCP Bò sữa Tây Nguyên (HAGL nắm 99% vốn) sở hữu 23,46%.

Tháng 8/2016, Bò sữa Tây Nguyên đã chi tới 550 tỷ đồng mua 18,56% cổ phần Chăn nuôi Gia Lai để nâng sở hữu lên 23,46% và trở thành công ty liên kết của HAGL.

Theo báo cáo thường niên năm 2016, CTCP Cao su Trung Nguyên (HAGL nắm gần 100% vốn) đã hợp tác với Chăn nuôi Gia Lai để đầu tư vào dự án chăn nuôi và phát triển đàn bò sinh sản, bò thịt với tổng giá trị dự án hơn 1.499 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm (20/5/2016 đến ngày 20/5/2021). 

Tuy nhiên, tới tháng 3/2018, CTCP Bò sữa Tây Nguyên đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Chăn nuôi Gia Lai cho CTCP Thực phẩm Heygo. Số tiền lãi từ chuyển nhượng cổ phần là 43,5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, CTCP Đầu tư Bất động sản An Phú từng nắm hơn 75% vốn của Chăn nuôi Gia Lai và đã giảm xuống 56,53% sau khi chuyển nhượng 18,56% cổ phần cho Công ty bò sữa Tây Nguyên.

Thời điểm ngày 13/12/2019, Bất động sản An Phú đã thoái sạch vốn tại Chăn nuôi Gia Lai.

Được biết, Bất động sản An Phú cũng là đơn vị liên quan, xuất hiện nhiều giao dịch với HAGL trong các năm qua. Cả Chăn nuôi Gia Lai và Bất động sản An Phú đều là "con nợ" khó đòi của HAGL.

Cuối năm 2017, HAGL đã ghi nhận tổng khoản phải thu từ Bất động sản An Phú cùng các bên liên quan với giá trị hơn 10.570 tỷ đồng và bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi gần 4.024 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm