Khi Uber, Grab không còn là... “vua cước rẻ”

Khi câu chuyện cạnh tranh và chính sách đối xử với taxi truyền thống và Grab, Uber còn chưa đi đến hồi kết, thì phát sinh mới lại nảy sinh: Những ứng dụng đặt xe qua smartphone, tổng đài chuyên tuyến
Khi Uber, Grab không còn là... “vua cước rẻ”

Chạy đua giảm cước…

Tối ngày 7.8 khi chúng tôi bắt xe của Nội Bài taxi từ sân bay về phố cổ (Hà Nội), tài xế “phán” luôn mức cước: 350.000 đồng. Nhưng cũng hành trình này, nếu đặt xe qua Grab hay Uber, thì khoảng từ 280.000-300.000 đồng. Riêng với dịch vụ đi xe chung (để tiết kiệm) GrabShare thì giá còn rẻ hơn. Đơn cử từ sân bay Nội Bài về số 68 Nguyên Hồng, quận Đống Đa, giá cước GrabCar là 250.000 đồng, trong khi GrabShare chỉ có 186.000 đồng, vào thời điểm 19h30 tối ngày 10.8.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều dịch vụ taxi chuyên tuyến HN - NB chào khách với mức cước còn rẻ hơn. Đơn cử: Từ nội thành ra sân bay Nội Bài, giá cước từ 150.000-160.000 đồng, rẻ hơn từ 20.000-30.000 đồng so với cước của Airport Taxi mà chúng tôi thường hay đi, tương đương từ 11,1-16,6%.

Trong khi chiều từ sân bay về, giá chốt 250.000 đồng, rẻ hơn cước của Nội Bài taxi tới 28,5%. Hiện nay, những dịch vụ này chủ yếu được quảng bá qua tin nhắn SMS, và cho khách đặt xe ngay từ đầu TPHCM hoặc Hà Nội, nghĩa là vào thời điểm trước và sau khi đáp chuyến bay đến Nội Bài.

Trong khi đó, một ứng dụng đặt xe có tên là Carento, được cho là để “né” Uber và Grab nên chỉ chuyên tuyến HN – NB với mức cước từ 169.000 đồng, với tuyến đường dài cước từ 6.500-8.500 đồng/km. Tất nhiên, đây là ứng dụng nội địa Việt Nam, giống như ứng dụng VietGo ra mắt hơn một năm qua nhưng chỉ chuyên chạy tuyến đường dài, lách vào thị trường ngách nhằm né hai “ông lớn” Grab và Uber.

Grab và Uber cũng bị “uy hiếp”

Qua những con số về giá cước đề cập ở trên cho thấy: Với tuyến HN – NB, thì dịch vụ taxi của Grab và Uber cũng không còn lợi thế cạnh tranh, hai thương hiệu này không còn là “vua cước rẻ” nữa.

Sau khi Grab và Uber “đả bại” taxi truyền thống trên thị trường đại chúng ở các tỉnh thành, bây giờ đến lượt “thành trì đặc quyền đặc lợi” của “taxi sân bay” được quyền đón khách ở Nội Bài cũng bị đe dọa và có cơ “lâm nguy” vì hai hướng “tấn công” là dịch vụ của Grab, Uber và dịch vụ của những Carento hay các tổng đài đặt xe chuyên tuyến HN – NB.

Cuốc taxi tối ngày 7.8, giá cước cao chỉ là một vấn đề, nhưng tạm chấp nhận vì chúng tôi muốn đi gấp không thể chờ đợi đặt xe Grab hay Uber. Song một điều khó có thể chấp nhận là, sau khi bước lên xe và đóng cửa, phải chịu đựng suốt hành trình hơn 30 phút mùi hôi nồng nặc.

Đó là mùi mồ hôi của bao hành khách, suốt bao ngày tháng đọng lại, mà phương tiện không được vệ sinh tẩy rửa. Các hãng taxi truyền thống đang rơi vào tình trạng phương tiện “cha chung không ai khóc”, rất khác với taxi công nghệ hay dịch vụ xe tư nhân, có sự chăm sóc thường xuyên từ phương tiện đến thái độ phục vụ vì đa phần xe là tài sản cá nhân hoặc được cá nhân thuê lại để kinh doanh.

Vậy thì taxi truyền thống tại sân bay Nội Bài không bị “lâm nguy” mới là lạ. Nếu cứ với tư duy, cung cách kinh doanh dịch vụ như thế, chẳng lâu nữa sẽ mất khách hàng, mất thị trường, nếu có sử dụng đến các rào cản kĩ thuật hay đặc quyền cũng chẳng giúp duy trì ưu thế được lâu.

Bài học về taxi, xe ôm truyền thống nói chung bị mất thị trường vào tay Grab và Uber đã quá rõ. Huống hồ, giờ đây chuyên tuyến HN – NB còn có những dịch vụ taxi giá còn cạnh tranh hơn cả Grab, Uber. Hay nói chính xác hơn, với tuyến này, ngay cả Grab và Uber cũng đang bị “uy hiếp” nếu không cậy vào các chương trình khuyến mãi.

Điểm yếu của ứng dụng đặt xe Carento hay các tổng đài chuyên tuyến dịch vụ taxi HN – NB là còn mới mẻ, sự quảng bá còn yếu với phương thức chưa đa dạng vì nguồn ngân sách tiếp thị - truyền thông eo hẹp.

Theo Lao động

Có thể bạn quan tâm