Việt Nam - thị trường mục tiêu của hàng Thái?

Không ít nhận định cho rằng với việc nắm giữ một phần quan trọng thị trường phân phối ở Việt Nam cùng với khả năng tận dụng cơ hội do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại, sắp tới, hàng hóa từ Thái
Việt Nam - thị trường mục tiêu của hàng Thái?
Không ít nhận định cho rằng với việc nắm giữ một phần quan trọng thị trường phân phối ở Việt Nam cùng với khả năng tận dụng cơ hội do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại, sắp tới, hàng hóa từ Thái Lan sẽ bao phủ thị trường Việt Nam. Thông qua đầu tư của các tập đoàn hàng đầu và sự có mặt của các ngân hàng Thái Lan cho thấy có thể trong tương lai không xa, hàng Thái sẽ "bủa vây" thị trường Việt Nam. Suy luận ấy có chính xác? Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) tại hội chợ "Thaifex - World of Food Asia 2016" - nơi quy tụ, cung cấp cơ hội giao thương cho các nhà khai thác trong ngành công nghiệp thực phẩm diễn ra từ ngày 25 - 29/5 tại Trung tâm Muang Thong Thani, Thái Lan (với 4.600 gian hàng của hơn 1.800 công ty đến từ 33 quốc gia), dù đánh giá cao thị trường Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng chỉ là một trong số rất nhiều thị trường trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà DN Thái Lan nhắm đến . Theo Pratchaya Arjfak - đại diện Bộ phận phát triển kinh doanh, Công ty Liên doanh Thái Lan và Đức Meat Product (TGM - DN đầu ngành với 53 năm sản xuất xúc xích, dăm bông, thịt xông khói tại Thái Lan), TGM đang có ý định đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Campuchia, Lào, Myanmar, Hong Kong. Tại Việt Nam, TMG đang cần tìm đại lý để phân phối hàng hóa nhưng chưa tìm được đối tác đủ tin cậy để có thể đàm phán. Vừa qua TMG đã đầu tư 35,7 triệu USD để xây dựng nhà xưởng nhằm khai thác thị trường các nước trong AEC khi hàng rào thuế quan của khu vực này được gỡ bỏ. Cũng đang có ý định tìm hiểu thị trường Việt Nam, đại diện Sunshine International Co.,Ltd (có 23 năm hoạt động trong lĩnh vực trái cây sấy, với sản phẩm chủ lực là sầu riêng) đã chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn nhân sự kiện Thaifex 2016 rằng, Việt Nam đang là thị trường mục tiêu mà Sunshine muốn hướng đến. Theo đại diện Sunshine, hiện khách hàng chính của DN tại Thái Lan là khách du lịch, trong đó đáng chú ý là khách du lịch đến từ Trung Quốc. "Những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng nhiều, nên chúng tôi muốn khai thác thị trường Việt Nam, dù biết rằng Việt Nam cũng có những vùng trồng sầu riêng, nhưng điều khiến chúng tôi tự tin là hương vị sầu riêng Việt Nam không ngon bằng của Thái Lan", phía Sunshine tự tin khẳng định. Khác với hai DN vừa nêu, Sookasem - nhà sản xuất các loại nước sốt, bánh ngọt và gia vị Thái Lan với các thương hiệu Molly, Lilly, Chilli và Kai chia sẻ, thương hiệu nước sốt của Sookasem đã có mặt tại thị trường Việt Nam 4 năm qua và được người tiêu dùng ưu chuộng. Hiện Sookasem tập trung để đưa thêm nhiều loại nước sốt không chỉ thông qua hệ thống bán lẻ của Thái tại Việt Nam mà còn thông qua các đại lý. Tại Thaifex 2016, nhiều DN cho thấy tỷ lệ xuất khẩu chiếm đến 90% doanh số của công ty nhưng khi hỏi đến thị trường Việt Nam đều cho rằng chưa có ý định "đánh mạnh", dù sản phẩm của họ đã có mặt nhiều ở thị trường châu Á như Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong, Lào, Campuchia. Dù không nói rõ nhưng những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ đã khiến nhiều DN trong ngành thực phẩm của Thái Lan chưa muốn du nhập vào Việt Nam. Song hiện nay cùng với sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý và sự "dọn đường" của một số tỷ phú, DN Thái Lan sẽ mạnh bước hơn vào thị trường Việt Nam.
NGUYÊN BẢO - DUY KHUÊ

Có thể bạn quan tâm