Khởi nghiệp du lịch, tưởng dễ mà khó!

Tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong những năm gần đây và tương lai đầy hứa hẹn của ngành du lịch là động lực khiến ngày càng nhiều người khởi nghiệp.
Khởi nghiệp du lịch, tưởng dễ mà khó!

Nhiều ý kiến cho rằng, khởi nghiệp và “kiếm đủ sống” trong ngành này không quá khó khăn nhưng để đủ mạnh tham gia vào sân chơi lớn thì rất khó.

Mảnh đất màu mỡ

Gần hai tháng trước, Lê Thị Thu Trang, cô gái có vóc người nhỏ nhắn ở Hà Nội chính thức “chia tay đời làm thuê” như lời cô nói vui để cùng nhóm bạn mở công ty du lịch tên là Haydi. Nhóm bạn, gồm những người thích đi du lịch, đặc biệt là kiểu du lịch trải nghiệm đã lôi kéo được một số người làm du lịch “cứng cựa” từ những nơi khác về làm việc. Công ty đã tổ chức được vài đoàn, trong đó có nhiều người quen đi Quảng Bình theo chủ đề tìm hiểu lịch sử. Một số khách lẻ cũng bắt đầu đăng ký tour.

Trang cho biết, công ty tập trung cho những sản phẩm trải nghiệm. Chẳng hạn, tour đến Quan Lạn để tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, đi Cô Tô trải nghiệm làm ngư nghiệp với việc câu mực, cào nghêu, hay đưa trẻ em đi vườn quốc gia để xem những động vật trong sách đỏ... Tour đi nước ngoài cũng sẽ phát triển theo tiêu chí đó và Haydi sẽ tiến ra ngoài, thu hút du khách quốc tế khi thị trường trong nước ổn định.

“Các nhân viên đều là những người có kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch nhưng chịu về với công ty mới như chúng tôi vì họ thấy có đường đi rõ ràng chứ không phải vì được trả lương cao. Ai cũng được công ty chia cổ phần như một sự cam kết cùng phát triển”, Trang nói.

Trang là thạc sĩ về truyền thông và quảng cáo, từng có kinh nghiệm nhiều năm làm giám đốc tiếp thị tại thị trường Việt Nam cho một điểm du lịch khá nổi tiếng và hiện đang học thêm về phân tích dữ liệu nhằm thực hiện những chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn. Cô cho rằng, không những hiện tại mà năm hay mười năm nữa, ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam vẫn là một mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp.

Thực tế có vẻ đúng như vậy. Khởi nghiệp trong mảng du lịch đang là một chủ đề gây hứng khởi, thu hút nhiều người tham gia. Có những người từng làm ở một công ty du lịch, có một số mối quen rồi mở công ty làm ăn riêng; có những người tạo nên các dịch vụ trải nghiệm mới tại địa phương; có người cung cấp các loại tour chuyên biệt. Thậm chí, có người sau một thời gian đi nghỉ ở các resort, điểm đến đặc biệt, thì dùng kinh nghiệm, thương hiệu cá nhân từ những lần giới thiệu chuyến đi trên mạng xã hội cùng mối quan hệ với nhà cung cấp để bán dịch vụ và họ sống được với chuyện làm ăn mới này.

Gần đây, xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhất là phát triển theo hướng công nghệ, tạo nên các nền tảng (platform) để bán sản phẩm hoặc để cho các nhà cung cấp dịch vụ vào bán, quảng cáo rồi lấy hoa hồng. Xu hướng mới mẻ này không chỉ hấp dẫn những nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm có vốn liếng, mà còn thu hút những doanh nghiệp mới và cả sinh viên.

“Tôi muốn tạo nên một ứng dụng tham quan TPHCM trên điện thoại thông minh để du khách có thể thoải mái chọn dịch vụ, chọn chương trình tour, hướng dẫn viên du lịch và trả tiền mà không cần phải qua trung gian. Tôi đang hoàn thiện ý tưởng và sẽ nhờ một công ty viết ứng dụng”, Võ Minh Hiếu, sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, giới thiệu ý tưởng với khách tham quan trong sự kiện phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp du lịch do Sở Du lịch cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức hồi tháng trước.

Mối lo “cây” ngừng lớn

Trong giới du lịch, nhiều người hay nói, thị trường du lịch vẫn còn nhiều dư địa cho người mới và cái khó nhất trong nghề này không phải là lo kiếm không đủ sống mà sợ sau khi phát triển được một thời gian thì doanh nghiệp chững lại không lớn nữa. Chuyện này giống như nhà nông có thể ươm mầm để hạt giống nhanh lớn thành cây nhưng lại rất vất vả thậm chí không thể làm cho cái cây đó vừa phát triển tán sum suê vừa có bộ rễ khỏe mạnh bám chặt vào lòng đất cùng thân cây cứng cáp để đứng vững trước phong ba.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy nhất Đông Dương tại Quảng Nam, cho rằng cái khó của người mới là phải giải được những bài toán về ý tưởng sản phẩm, phân khúc khách hàng, tìm vốn... để tham gia thị trường. Trong khi đó, với người đã khởi nghiệp thì những vấn đề liên quan đến đổi mới và tìm sự khác biệt còn khó hơn nhiều.

Ông Thủy được xem là người khởi nghiệp thành công. Năm 2012, sau 12 năm làm việc trong ngành du lịch, ông ra riêng bằng việc làm homestay tại căn nhà của cha mẹ và làm tour. Lúc đầu, chỉ có vài khách mua tour xe đạp tham quan Hội An và giám đốc cũng phải làm luôn công việc của nhân viên điều hành, hướng dẫn, tiếp thị, kế toán... Đến nay, sau hơn năm năm, công ty đón được khoảng 30.000 khách/năm, không chỉ ở Hội An mà đi khắp Việt Nam, với doanh số gần 100 tỉ đồng.

Ông cho rằng, có thể sớm hái được trái ngọt là nhờ đi vào những sản phẩm độc đáo mà Hội An đang thiếu lúc đó như tour xe đạp, tour du lịch sinh thái, ở homestay hay tour ăn Tết với người dân địa phương và tập trung vào thị trường ngách là khách châu Âu qua kênh trực tuyến, kế đến là du khách từ khu vực ASEAN. Thế nhưng, với sự cạnh tranh gay gắt và thay đổi nhanh chóng của thị trường hiện tại thì áp lực tạo sản phẩm mới, mở rộng kênh bán hàng, tìm thị trường mới ngày càng nặng hơn. Trong đó, dòng đời của sản phẩm đang ngắn đi. Chẳng hạn, lúc đầu ông tính toán những sản phẩm trên có thể sống tốt được cỡ năm năm nhưng thực tế ngắn hơn nhiều. Hội An giờ tràn ngập kiểu tour loại này nên phải thay đổi. Việc mở rộng thị trường cũng gian nan hơn, đòi hỏi vốn liếng và sự tính toán chuyên nghiệp mới khỏi sa chân.

“Công ty nhỏ mới khởi nghiệp có thể làm một trang web là bán hàng được. Nhưng đến quy mô nào đó, muốn bắt cá lớn phải đầu tư công nghệ số cao cấp với vốn đầu tư lớn. Đây là lĩnh vực rất khó nhằn, nếu không cân nhắc và chuẩn bị kỹ thì dễ gặp rủi ro”, ông Thủy nói. Sau mấy năm khởi nghiệp, ông cho rằng hiện là lúc phải tính toán chi tiết về đầu tư bao nhiêu, doanh thu ra sao, bao nhiêu khách, đến từ đâu... rồi mới tham gia.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD ở TPHCM, người đã khởi nghiệp từ 20 năm trước, hiện đang phục vụ vài chục ngàn lượt khách châu Âu mỗi năm cũng có ý kiến tương tự và cho biết một trong những áp lực lớn hiện nay là đầu tư cho công nghệ, để khách hàng tiếp cận dễ nhất, ở lại lâu nhất.

Khách hàng lớn của Asian Trails là các đại lý du lịch ở nước ngoài. Yêu cầu của giai đoạn này là phải làm cho hệ thống đặt chỗ của công ty và đại lý liên kết được với nhau, để khi đại lý đặt chỗ thì những dịch vụ liên quan đến đơn hàng cũng triển khai cùng lúc trên hệ thống, giúp tour có thể tổ chức ngay. Lợi thế lớn thuộc về những doanh nghiệp cho khách hàng nhìn thấy sản phẩm của mình trên không gian mạng và tạo thuận lợi cho khách đặt chỗ. Phải cho khách có thể đặt chỗ nhanh vì nếu để khách tốn thời gian chờ xác nhận thì họ có thể rời đi khi thấy dịch vụ của nơi khác thuận tiện hơn.

“Chúng tôi còn làm thủ công là đặt chỗ qua e-mail rồi nhân viên triển khai từng dịch vụ. Một tour cho khách đến Việt Nam có thể bao gồm hàng chục dịch vụ, qua hàng chục đại lý ở từng địa phương mà làm mãi như vậy thì sẽ kém cạnh tranh”, bà nói.

“Tôi muốn khi nghĩ về Việt Nam, du khách không chỉ nghĩ đó là một nơi du lịch giá rẻ ở Đông Nam Á mà là nơi duy nhất có thể trải nghiệm những dịch vụ đặc biệt”, Trang nói. Cô cho biết đó là mơ ước cho sau này, còn hiện tại cô chỉ mong là có nhiều khách biết đến Haydi, mong công ty có thể “sống sót” qua năm đầu tiên, mạnh mẽ hơn trong năm thứ hai và năm tới nữa có thể nghĩ đến tiền lời.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm