Không cấm Uber, Grab, nhưng quản thế nào?

Đây là vấn đề được các hiệp hội taxi Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều chuyên gia đặt ra tại tọa đàm về quản lý taxi công nghệ do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì sáng 22/3.
Không cấm Uber, Grab, nhưng quản thế nào?

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết doanh nghiệp taxi truyền thống không yêu cầu cấm loại hình Uber, Grab mà mong muốn có một sân chơi công bằng... Theo ông Hỷ, dự thảo lần 4 Nghị định 86/2014 sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải về ô tô có nhiều điểm mới khi định danh được loại hình Uber, Grab và đưa vào quản lý. Đặc biệt là đưa ra các điều kiện tương đối cân bằng về điều kiện kinh doanh, đây cũng là mục đích đấu tranh lâu nay của taxi truyền thống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong điều kiện kinh doanh, quản lý giữa taxi truyền thống và Uber, Grab hiện nay như tài xế, số lượng xe, phù hiệu...

“Ai bảo đảm 100% lái xe đều tốt, không có tội phạm hình sự trà trộn vào. Chúng ta phải quản thế nào để đảm bảo an toàn cho hành khách, người lao động phải hưởng các quyền lợi theo luật lao động, nhà nước không thất thu thuế”, ông Hỷ nêu vấn đề và cho rằng, cần quản từ gốc, Uber, Grab - nếu định danh là taxi công nghệ thì trước hết các công ty này phải là taxi, phải đáp ứng điều kiện của taxi. Bên cạnh đề xuất dừng ngay cấp phù hiệu mới cho Uber, Grab, ông Hỷ nêu cần quản lý loại hình mới này bằng nhận diện thương hiệu thông qua việc dán logo Uber, Grab và cả HTX.

Ông Vũ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho rằng dù Đà Nẵng chưa đồng ý thí điểm, nhưng sau 2 năm số lượng xe Grab, Uber tại đây đã lên tới hơn 4.000 xe.

Trước kiến nghị về dừng cấp phù hiệu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định việc tạm dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ là thẩm quyền của địa phương, nếu địa phương cảm thấy hạ tầng quá tải rồi thì Sở GTVT có nhiệm vụ tham mưu, không phải cái gì cũng đẩy lên Bộ GTVT.

Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm