Không có vùng cấm trong việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội

Bãi nhiệm hay mất quyền đều làm đúng theo quy định, không có vùng cấm, trong phòng chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đều làm rất nghiêm túc. Ông Nguyễn Hạnh Phúc
Không có vùng cấm trong việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội

Sáng 19/5, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 5, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến công tác đại biểu diễn ra trong khóa XIV.

Cụ thể, với trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh vi phạm pháp luật, bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng, trong các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp nhiều cử tri cũng bày tỏ quan điểm mất tín nhiệm đối với bà Thanh; nhưng bà Thanh được cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội mà không thực hiện quy trình bãi nhiệm.

Trả lời vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 4/5, trên cơ sở các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã có thông báo đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Cùng ngày, bà Thanh có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo cơ quan quản lý cán bộ là Ban Bí thư. Sau đó Ban Bí thư cân nhắc nhiều mặt và có quyết định tiếp nhận đơn của bà Thanh. Vì vậy, Ủy ban Thường Quốc hội đã tiến hành thủ tục cho bà Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Theo ông Phúc về nguyên tắc, việc cho thôi này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng trong thời gian Quốc hội không họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất.

“Như vậy, tại kỳ họp khai mạc ngày 21/5 tới đây, chúng tôi sẽ có báo cáo Quốc hội về kết quả cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Thanh. Việc này là đúng theo pháp luật”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, trong quá trình xem xét hồ sơ cho thôi nhiệm vụ đối vối bà Thanh có căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Các cơ quan này đều đồng thuận cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội”, ông Phúc nói và cho biết, việc xem xét cán bộ vi phạm không có vùng cấm, ai vi phạm đều bị xử lý kịp thời, nghiêm túc.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội hay bãi nhiệm hay mất quyền đều làm đúng theo quy định, không có vùng cấm. Trong phòng, chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đều làm rất nghiêm túc.

Trước những vấn đề liên quan đến công tác đại biểu khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, từ việc xử lý cán bộ, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội trong thời gian qua cần phải rút ra bài học trong quá trình thẩm tra hồ sơ bầu cử trong nhiệm kỳ tới đây.

“Thực ra có những vụ việc không phát hiện ngay được. Quá trình làm thì từ dưới cơ sở, cử tri giới thiệu lên, các cơ quan chức năng thẩm tra xem xét. Qua những vụ việc vừa qua thì khâu thẩm tra này cần rút kinh nghiệm, sâu sát việc này hơn nữa”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Có thể bạn quan tâm