Không kèn trống nhưng REE đã chi hơn 1,232 tỷ đồng để làm M&A trong năm 2016

Không rình rang như các thương vụ M&A đã diễn ra trên thị trường chứng khoán trong năm 2016 nhưng số tiền mà CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) chi ra cho hoạt động này đã lên đến hơn 1,23
Không kèn trống nhưng REE đã chi hơn 1,232 tỷ đồng để làm M&A trong năm 2016

Mạng nhện sở hữu của doanh nghiệp mà REE đầu tư thâu tóm 

Trong hoạt động kinh doanh của mình hiện nay, REE đang tập trung vào 4 mũi nhọn là mảng điện cơ công trình (M&E), mảng Reetech, bất động sản và cơ sở hạ tầng điện nước. Và công ty vẫn miệt mài thu gom cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ các đơn vị cũng như thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện, nước trong ba năm gần đây.

Trong năm 2014, REE đã giải ngân thêm 916 tỷ đồng vào lĩnh vực điện nước và cơ sở hạ tầng (tỷ lệ sở hữu trên 20% tại 6 nhà máy điện và 5 nhà máy sản xuất kinh doanh nước sạch trong năm 2014). Đây phải nói là năm thắng lớn của REE khi mảng điện, nước, than mang về hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, qua đó giúp lãi ròng của REE lần đầu tiên đạt được mốc lợi nhuận trên 1,000 tỷ đồng.

Sang năm 2015, một điều đáng buồn là kết quả kinh doanh của REE chịu ảnh hưởng đáng kể khi lợi nhuận sau thuế của mảng điện nước và than chỉ còn 261 tỷ đồng, giảm 48%. Tất nhiên lãi ròng của REE năm 2015 cũng sụt giảm theo gần 20%. Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận là do mảng cơ sở hạ tầng điện của REE chịu tác động của sự tăng giá đồng Đô-la Mỹ, Yên Nhật đối với các khoản vay ngoại tệ, trong khi đó sản lượng điện của một số nhà máy thủy điện sụt giảm do khô hạn. Trong năm này, REE chỉ chi ra thêm 80 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực điện nước và than.

Những yếu tố trên tiếp tục ảnh hưởng kéo dài cho đến 9 tháng đầu 2016 khiến lợi nhuận REE vẫn giảm 17% so cùng kỳ khi chỉ đạt 488 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà REE lại ngừng chiến dịch mở rộng đầu tư sang các mảng điện và nước. Theo thống kê, sau những tháng đầu năm im ắng, từ giữa tháng 4/2016 đến nay thì REE đã chi ra hơn 1,232 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực điện và nước, nâng tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 5,600 tỷ đồng. 

Thống kê các đơn vị mà REE đã thực hiện M&A trong năm 2016

Không kèn trống nhưng REE đã chi hơn 1,232 tỷ đồng để làm M&A trong năm 2016 ảnh 1
Nguồn: VietstockFinance 

Trong các thương vụ mà REE thực hiện vào năm 2016 thì lớn nhất chính là việc mua gần 42 triệu cp (xấp xỉ 21% vốn) CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE: VSH), tương ứng giá trị khoảng 674 tỷ đồng trong thời gian từ 05-12/12. Điều này đồng nghĩa với việc VSH sẽ trở thành công ty liên kết của REE từ năm 2017. Theo CTCK MB (MBS), việc M&A với VSH sẽ giúp công suất ngành điện của REE tăng lên đáng kể, đạt 3,060 MW, chiếm 9% công suất toàn ngành. Bên cạnh đó, REE còn có thể ghi nhận thêm 64 tỷ đồng lợi nhuận từ VSH trong năm 2017.

Cũng trong thời gian thực hiện mua VSH, REE đã chi ra hơn 257 tỷ đồng để mua thêm gần 12.3 triệu cp CHP của CTCP Thủy điện Miền Trung. CHP là doanh nghiệp có vốn điều lệ khá lớn với gần 1,260 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ năm 2013 trở lại đây đều từ mức trên 125 tỷ đồng và tăng trưởng đều. Hồi đầu năm 2016, cổ đông lớn của CHP có Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Tổng Công ty điện lực miền Trung, Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội và Tổng công ty Phát điện 1. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm chuyển niêm yết (tháng 8/2016) từ sàn HNX sang HOSE thì Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Phát điện 1 đã thoái hết vốn tại đây.

Sau CHP thì đến lượt Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP) rơi vào tầm ngắm của REE và đến ngày 13/12 thì REE chính thức mua hơn 6.3 triệu cp SHP, nâng sở hữu lên 20% vốn. Ước tính REE đã chi hơn 126 tỷ đồng cho thương vụ này.

Đối với Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) – nhân tố khiến REE chịu ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận trong 2 năm nay – là do gánh lỗ từ chênh lệch tỷ giá bởi đồng Yen tăng mạnh. Mặc dù vậy, REE cũng đã quyết định mua thêm gần 3.8 triệu cp PPC để nâng sở hữu lên 23.54% vốn.  Theo đó, cùng với PPC, CHP, SHP và VSH, hiện REE đang nắm giữ các công ty thủy điện lớn khác như Thác Bà (TBC) với tỷ lệ sở hữu 60%, đầu tư 1,070 tỷ đồng vào thủy điện Thác Mơ (TMP) với 42.62% vốn và 368 tỷ đồng vào Sông Ba Hạ (SBH) để sở hữu 25% vốn.

Tại lĩnh vực nước sạch, đến cuối năm 2015, REE đã đồng sở hữu 3 nhà máy phát nước với công suất 375,000 m3/ngày đêm. Công suất này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2025 theo quy hoạch cấp nước của TP. Hồ Chí Minh. Do đó không ngạc nhiên khi trong năm 2016, REE tiếp tục nâng sở hữu ở các công ty phân phối nước sạch tại TP. Hồ Chí Minh như Thủ Đức, Nhà Bè, Gia Định với mục tiêu lâu dài là tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư nguồn và phân phối nước.

Cũng theo đánh giá của MBS, việc REE gia tăng sở hữu trong ngành điện nước tại các công ty hiện nay sẽ giúp công ty có được kết quả khả quan về lâu dài. Hiện rất nhiều tài sản của REE hoạt động chưa hiệu quả do lỗ tài chính (chủ yếu do PPC) hoặc do khó khăn chung của ngành (ngành than có NBC, TDN) hay do trong giai đoạn đầu chưa sinh lợi (Thủy điện Srok Phu Mieng, BOO nước Thủ Đức), tuy nhiên đây có thể là đáy chu kỳ kinh doanh của REE. Sự cải thiện từ mảng điện nước (dấu hiệu tích cực từ La Lina, tỷ giá, giá than tăng trở lại…) sẽ tác động thuận lợi đến triển vọng kinh doanh REE từ 2017./.

Theo Vietstock

Có thể bạn quan tâm