Không quốc gia nào có thể độc quyền ‘thâu tóm’ đặc khu

Chiều 7/6, một cuộc họp tiếp thu ý kiến về luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Không quốc gia nào có thể độc quyền ‘thâu tóm’ đặc khu

Về phía Quốc hội, ngoài Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật còn sự có sự tham gia của nhiều ủy ban khác liên quan, như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng; Ủy ban Quốc phòng - An ninh...

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, bao gồm cả Bộ Quốc phòng cùng tham dự cuộc họp.

Theo tin từ đại biểu Quốc hội, tại cuộc họp, nhiều nội dung lớn liên quan đến dự án luật đã được đưa ra bàn thảo, trong đó có điểm dư luận chú ý nhất liên quan đến thời hạn giao đất 99 năm.

“Khả năng phần nhiều là ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ giảm thời hạn cho thuê đất/giao đất xuống 70 năm, như các khu kinh tế khác hiện nay và như luật Đất đai hiện hành”, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, thông tin.

Bên lề Quốc hội, phóng viên đã có trao đổi với đại biểu Bùi Văn Xuyền về vấn đề này.

Giảm thời hạn giao đất xuống 70 năm?

Hiện Chính phủ có ý kiến chính thức về vấn đề giao đất 99 năm chưa, thưa ông?

Đại biểu Bùi Văn Xuyền: Tại cuộc họp chiều qua thì Chính phủ chưa có quan điểm chính thức. Tuy nhiên, cuộc họp là để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chứ không phải theo đề xuất của Chính phủ. Đại biểu đã có ý kiến rồi, qua tiếp thu thì tinh thần sẽ bỏ quy định 99 năm, duy trì thời hạn giao đất cao nhất là 70 năm, như quy định của luật Đất đai. Tất nhiên, đây chưa phải là phương án chính thức, vì còn phải đợi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Nếu vậy đặc khu còn gì đặc biệt nữa không, thưa ông? Theo nhận định của Bộ trưởng KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo, nếu giảm ưu đãi về đất đai như luật hiện hành, thì hầu hết các cơ chế đặc thù cũng không còn gì đáng kể nữa.

Việc giao đất 70 năm là quy định chung theo luật Đất đai rồi. Còn ở các đặc khu thì những ngành nghề được khuyến khích đầu tư sẽ có ưu đãi về thuế, ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các quy định cụ thể. Còn lại thì những nội dung nào không xác định thuộc ngành nghề khuyến khích ưu tiên thì được tự do hoạt động nếu pháp luật không cấm. Quy định như vậy là rõ. Tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm thì vẫn được sản xuất kinh doanh, được đầu tư, những ưu đãi đang được hưởng thì vẫn được hưởng như thế.

Thưa ông, sau cuộc họp thì còn điều gì gây băn khoăn, lo lắng trong dự thảo luật không?

Đến nay cơ bản chúng tôi đang tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân để chắt lọc lại, tiếp thu tối đa. Theo diễn biến của cuộc họp hôm qua, tiếp thu ý kiến các bên thì theo tôi cơ bản có thể thông qua dự án luật được rồi.

Dự án hạ tầng có vòng đời khai thác trên 70 năm có thể được gia hạn

Nếu so với các đặc khu ở các nước lân cận đã thành công, các đặc khu của chúng ta có những yếu tố hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh hay không?

Khi xây dựng luật này, theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thì ban soạn thảo cũng phải cố gắng xây dựng làm sao để cạnh tranh được với các đặc khu ở châu Á. Chúng tôi cũng phải tính toán cả rồi. Khi Quốc hội thảo luận, có ý kiến của cử tri, nhân dân là các chính sách ưu đãi quá cao thì có thể phải hạ xuống, cái nào chưa thực sự vượt trội thì có thể xem xét nâng lên, nhưng trước mắt tôi cho rằng các cơ chế chính sách đến lúc này cũng là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Trong quá trình làm thì Chính phủ, Quốc hội cũng xác định là sẽ phải sửa đổi luật cho phù hợp với từng giai đoạn.

Kinh nghiệm của các nước, như Hàn Quốc, trong 10 năm làm đặc khu người ta cũng sửa luật 6 lần, nên nếu chúng ta cầu toàn, muốn luật ban hành xong cứ thực hiện ổn định, lâu dài thì không phải, vì bản chất của kinh tế là diễn biến, thay đổi rất nhanh. Yêu cầu về công tác quản lý cũng phải đổi thay và theo đó những thiết chế trong luật cũng phải điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Khi đã giảm thời hạn cho thuê đất như vậy thì luật có thiết kế quy định nào để với những dự án đầu tư hạ tầng như cảng biển, sân bay có vòng đời khai thác kéo dài hơn cả 70 năm nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm hoạt động?

Theo tôi, chúng ta giao đất cho họ thời hạn bao lâu tùy thuộc từng dự án, nếu hết thời hạn, người sử dụng đất vẫn có nhu cầu, vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chấp hành tốt các quy định, nghĩa vụ với nhà nước thì họ vẫn được tiếp tục sử dụng bình thường. Năm 2003, dư luận cũng có lo ngại về việc thời hạn giao đất năm 1993 kết thúc thì có xáo trộn, nhưng thực tế có phải vậy đâu. Chính sách phải tiếp tục để giữ ổn định chứ làm sao rũ nhà đầu tư ra rồi giao lại được.

Những khách sạn 5 sao đầu tư rất lớn, có những cảng biển, sân bay, nhà ga có niên hạn sử dụng đến hàng trăm năm thì cũng không ngại gì cả.

Ông có cho rằng việc rút thời hạn giao đất cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư cân nhắc?

Nhà đầu tư chiến lược mà cam kết đầu tư lâu dài, rót số vốn lớn để làm, nhất là những dự án về cơ sở hạ tầng, thì họ rất muốn quy định 99 năm, nên Chính phủ trình phương án như vậy. Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu và cử tri thì cũng phải xem xét một cách có trách nhiệm, chứ không phải đưa ra rồi là quyết. Đó cũng là chuyện bình thường. Chuyện người dân, cử tri quan tâm góp ý, tham gia luật là rất tốt. Với cương vị cơ quan chủ trì thẩm tra giúp cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chắt lọc các ý kiến thì chúng tôi phải tiếp thu.

Không quốc gia nào có thể thâu tóm đặc khu

Trao đổi về vấn đề này hôm qua (7/6), Thủ tướng cũng nhấn mạnh là pháp luật có quy định rõ ràng để duy trì tỷ lệ nhất định các nhà đầu tư của một quốc gia đầu tư vào đặc khu. Cụ thể quy định này thế nào thưa ông?

Tỷ lệ này trong luật chưa quy định cụ thể là bao nhiêu phần trăm... Chỉ có điều ta xác định nhà đầu tư chiến lược như thế nào thì còn phụ thuộc vào quy mô dự án. Quan trọng nhất là phải thực hiện theo quy hoạch của khu đó xem bố trí bao nhiêu hạng mục, công trình, làm gì thì với đặc khu nào trên thế giới cũng làm như vậy. Quy hoạch là quan trọng nhất, từ đó mới ra được diện tích giao đất là bao nhiêu, có những nhà đầu tư nào vào và làm gì ở đấy.

Vậy thì quy định nào để đảm bảo sẽ không có nhà đầu tư của một quốc gia nào có độc quyền đầu tư vào đặc khu?

Cơ bản là không có một dự án tổng thể nào để một nhà đầu tư mua toàn bộ đặc khu đó được. Vấn đề là thực hiện theo quy hoạch, chỗ nào làm cảng biển, sân bay, chỗ nào làm dịch vụ nghỉ dưỡng… và chúng ta thực hiện quản lý chủ quyền ở đó, chứ không phải nhà đầu tư nào muốn vào làm gì ở đây cũng được. Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều luật khác ràng buộc ở đây nữa, nên mọi người cứ yên tâm, không phải sợ việc đó.

Dư luận có thể chưa hiểu, những gì ưu đãi trong luật thì đã rất rõ, còn những gì không quy định trong luật này thì những gì hệ thống pháp luật đang có anh đều phải chấp nhận hết. Ví dụ, vấn đề quốc phòng an ninh, đến là phải chấp hành chứ không phải là muốn làm gì thì làm. Dù môi trường kinh doanh là thông thoáng, nhưng vẫn trong giới hạn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm