Kịch bản nào cho chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn kịch tính, các hành động đáp trả tương đương liên tục được 2 bên đưa ra, kịch bản của cuộc chiến này sẽ diễn biến theo chiều hướng nào đang rất đ
Kịch bản nào cho chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

Hôm 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế đối với 50 tỉ đô la trị giá hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Và trong đợt áp thuế đầu tiên có hiệu lực vào ngày 6/7 tới, 818 mặt hàng có trị giá 34 tỉ đô la sẽ bị áp thuế 25%. Ông Trump đe dọa sẽ nâng trị giá này lên cao nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa. Chỉ hơn một tiếng sau tuyên bố của Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng sẽ áp thuế đáp trả với quy mô tương tự nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp, ô tô và năng lượng của Mỹ.

Tuy vậy, Mỹ vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh để giải quyết các bất đồng thương mại.

“Chúng tôi hy vọng rằng động thái áp thuế của Mỹ sẽ không dẫn đến phản ứng nóng vội từ Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ mở ra các cuộc đàm phán sâu rộng hơn và Trung Quốc sẽ thay đổi các chính sách”, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với báo chí sau khi ông Trump thông báo áp thuế hàng hóa Trung Quốc.

Gói thuế của Mỹ là nhằm trừng phạt Trung Quốc vì lạm dụng các quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Ông Trump đã bắn tín hiệu rằng ông muốn giảm 200 tỉ đô la giá trị thâm hụt thương mại của Mỹ Trung Quốc trong con số 376 tỉ đô la vào năm 2017. Vẫn chưa rõ Trump sẽ sẵn sàng đi xa tới đâu trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để đạt được các mục tiêu này.

Ngoài con số 50 tỉ đô la trên, Trump còn đe dọa áp thuế 25% thêm cho 100 tỉ đô la trị giá hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm.

Hai nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết các quan chức Mỹ sắp soạn xong danh sách các sản phẩm bị áp thuế nằm trong số 100 tỉ trị giá hàng hóa nói trên. Điều này có nghĩa là Mỹ đã sẵn sàng leo thang cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhà Trằng cũng đang soạn thảo các quy định hạn chế đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ và sẽ công bố chúng vào ngày 30/6 tới.

“Vấn đề là liệu chính quyền Trump thực sự muốn đàm phán hay muốn gây thiệt hại cho Trung Quốc rồi mới bắt đầu đàm phán nghiêm tục với nước này?”, Scott Kennedy, Phó Giám đốc ban nghiên cứu Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nói.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong những tuần và những tháng tới có thể đi theo một trong bốn kịch bản dưới đây

Cả hai bên đều nhượng bộ

Cách đây chưa đầy một tháng, dường như cả hai nước đã sẵn sàng nhượng bộ. Sau cuộc đàm phán của phái đoàn thương mại hai nước ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng Mỹ muốn tạm thời “ngưng chiến tranh thương mại” và sẽ không áp thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Trong lúc đang có nhiều hy vọng Mỹ sẽ chấp nhận đề xuất của Trung Quốc về việc tăng mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Mỹ thì chỉ vài ngày sau đó, Trump tuyên bố rút khỏi khung đàm phán hiện tại.

Giờ đây, khả năng hai nước nhượng bộ để đình chiến thương mại ngắn hạn dường như không còn nhiều cơ hội. Hôm 15/6, một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng Mỹ muốn Trung Quốc tiến hành các thay đổi cấu trúc trong chính sách công nghệ của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ muốn Bắc Kinh phải dừng bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh ra tín hiệu sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào trong đề án Made in China 2025 nhằm cung cấp sự hỗ trợ của nhà nước cho các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc xuống nước

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu hiện nay, vốn đang giúp Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều. Trong nhiều năm qua, các khoản đầu tư được sự hỗ trợ của nhà nước và hoạt động xuất khẩu đã thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh đang muốn thiết kế một lộ trình giảm tốc tăng trưởng dần dần và chú trọng hơn đến sức tiêu thụ trong nước. Một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể làm xáo trộn mô hình quản lý chặt chẽ của Bắc Kinh hiện nay đối với nền kinh vốn đã có dấu hiệu suy yếu trong tháng 5.

Kịch bản tốt nhất đối với Mỹ là Trung Quốc sẽ xuống nước trong các vấn đề công nghệ và mở rộng cửa thị trường của nước này cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

“Nếu bạn là một nhà đàm phán thương mại, xét trên một số phương diện nào đó, bạn sẽ có lợi thế lớn nếu đại diện cho Trump vì mọi người đều biết rằng ông ấy sẽ áp thuế và điều này tạo cho bạn rất nhiều lợi thế”, Rod Hunter, đối tác ở công ty luật Baker McKenzie, cựu giám đốc kinh tế quốc tế ở Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Mỹ thoái lui

Tổng thống Donald Trump luôn tự hào về kỹ năng đàm phán của Mỹ. Ông là đồng tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” (The Art of the Deal), trong đó, Trump mô tả cách mà ông khiến các đối tác phải nhượng bộ trong các thương vụ bất động sản.

Tuy nhiên, khả năng đàm phán của Trump với tư cách tổng thống vẫn chưa được rõ. Nỗ lực của Mỹ nhằm tái đàm phán Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ với Canada và Mexico đang gặp bế tắc. Những người chỉ trích nói rằng Trump cũng chỉ gặt hái được các kết quả ít ỏi trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6 vừa qua.

Trung Quốc cũng có thể thách thức Trump thực hiện các đe dọa áp thuế vì nghĩ rằng Trump chỉ ra đòn gió nhằm gây sức ép chứ không muốn chiến tranh thương mại thực sự. Ông Trump cần thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.

Đó là lý do Trung Quốc đưa vào danh sách hàng hóa Mỹ bị áp thuế trả đũa những mặt hàng nông nghiệp như đậu nành, cao lương, cotton được sản xuất tại các bang nông thôn, nơi đa số cử tri đã bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

“Trump đang phát tín hiệu rằng ông không chỉ muốn tiếp tục đàm phán các bất đồng thương mại mà còn thực sự muốn giải quyết chúng trong thời gian ngắn thay vì kéo dài” Terry Haines, giám đốc bộ phận phân tích chính trị ở công ty tư vấn tài chính Evercore ISI, nói.

Chiến tranh thương mại toàn diện

Có lý do để tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể giải quyết các bất đồng thương mại trong một sớm một chiều và cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước có thể leo thang nhanh chóng. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn bị xem là yếu thế. Ông Trump lên nắm quyền lực nhờ sự ủng hộ của các bang có nền kinh tế dựa vào ngành công nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi toàn cầu hóa. Cuôc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, do vậy, ông Trump ngày càng chịu áp lực phải tìm cách chiều lòng các mong muốn của những nhóm cử tri ủng hộ ông.

Trong khi đó, tham vọng đưa Trung Quốc vươn lên trở thành một quốc gia công nghệ dẫn đầu toàn cầu là một phần trong kế hoạch chiến lược dài hạn của ông Tập.

Nếu ông Trump thúc ép Trung Quốc phải tiến hành các thay đổi có tính hệ thống trong mô hình chính sách cơ bản của nước này, thế giới có thể còn chứng kiến các căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai cường quốc này. Các chính phủ Mỹ tiền nhiệm đã nhiều lần hối thúc Bắc Kinh nới lỏng sự kiểm soát đối với các ngành công nghiệp như sản xuất thép nhưng không đạt được nhiều kết quả.

Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Bloomberg cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ gây ra tác động hạn chế đến tăng trưởng ở hai nước này. Song điều này có thể thay đổi nếu một cuộc chiến như vậy gây tổn thương cho niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

“Chiến tranh thương mại có nhiều dạng, từ xung đột nhỏ cho đến cuộc chiến toàn diện, có thể gây nhiều thiệt hại ngoài dự kiến cho các công nhân, nông dân và người tiêu dùng Mỹ. Chúng ta chưa đi đến giai đoạn đó nhưng tình hình rất đáng sợ vì dường như chúng ta đang hướng đến cuộc xung đột lớn và rất khó để thấy lối thoát”, Michael Smart, Giám đốc công ty tư vấn chính sách kinh tế Rock Creek Global Advisors ở Washington, nói.

Theo thesaigontimes

Có thể bạn quan tâm