Kiên Giang trình Chính phủ Tờ trình về việc thành lập TP Phú Quốc

TP Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 589,27km², quy mô dân số là 179.480 người và có 9 đơn vị hành chính cấp xã.
Kiên Giang trình Chính phủ Tờ trình về việc thành lập TP Phú Quốc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vừa ký Tờ trình số 123/TTr-UBND ngày 31/7/2020 trình Chính phủ về việc thành lập TP Phú Quốc và thành lập các phường thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, TP Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 589,27km², quy mô dân số là 179.480 người và có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã là Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.

Phường Dương Đông có diện tích 15,06km², dân số 60.415 người gồm 12 khu phố. Phường An Thới có diện tích 34,29km², dân số 42.095 người gồm 11 khu phố.

Phân khu đô thị Dương Đông diện tích hơn 2.518ha được xác định là trung tâm, cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc. Đến năm 2030, Dương Đông có dân số 240.000 người, trong đó, hơn cư dân từ đất liền ra khoảng 180.000 người.        

Còn phân khu đô thị An Thới rộng trên 1.000 ha được định hướng thành cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch. Nơi đây còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống địa phương. Dự báo năm 2030, An Thới có hơn 70.000 dân.

Quy trình, hồ sơ thành lập TP Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố này đã được tiến hành với đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Theo tờ trình, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt tiềm năng và lợi thế sẵn có của huyện đảo về du lịch - thương mại - công nghệ cao.

Việc thành lập TP Phú Quốc bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Kiên Giang; phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Việc thành lập TP Phú Quốc sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch của cả vùng và khu vực theo định hướng của Chính phủ và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

Trước đó, UBND huyện Phú Quốc đã tổ chức lấy ý kiến của 62.284/64.263 cử tri trên địa bàn 10 xã, thị trấn, trong đó có 61.870 cử tri đồng ý Đề án thành lập thành phố Phú Quốc, chiếm tỷ lệ 96,28%.

Đối với việc thành lập phường Dương Đông thuộc thành phố Phú Quốc, huyện đã lấy ý kiến 21.882/22.030 cử tri. Kết quả có 21.693 cử tri đồng ý, chiếm 98,47%. Tương tự, có 14.701 cử tri thuộc thị trấn An Thới và xã Hòn Thơm đồng ý sáp nhập Hòn Thơm vào thị trấn An Thới; có 14.707 cử tri thuộc 2 đơn vị cấp xã này đồng ý thành lập phường An Thới thuộc thành phố Phú Quốc.

Có thể bạn quan tâm